Nôn nao tháng chạp về ngoài ngõ
(DNTO) - Cảm giác se lạnh khi buổi sáng bước ra cái sân gạch đón làn gió chướng về từ sông Ba Lai, bỗng cảm nhận mùi tháng chạp đang ùa tới, khiến ai nấy nôn nao,chuẩn bị bước vào những ngày tất bật chuẩn bị đón một cái Tết nữa đang về.
Sáng nấu nước pha bình trà rồi mang ra sân uống, hứng những làn gió mát đầu ngày thổi ào ạt trên mái nhà, lướt trên những tàu lá dừa, rồi vuốt ve những tán nhãn đầu nhà, cha nói: “Gió chướng thông như vầy là biết tháng chạp tới, vậy là mấy ngày nữa lặt lá mai”. Chuẩn bị tay xách giỏ, tay dắt xe đạp bước ra sân, mẹ ừ hưởng ứng, rồi hẹn mùng 10 tháng chạp, sẽ đảm nhận công việc này, giúp cha tước hết lá cho những gốc mai già trước sân, để chúng nở đúng ngày mùng một cho đám con cháu từ Sài Gòn về chụp ảnh.
Tháng chạp về. Làng xóm, đường quê mấy ngày đang yên tĩnh, bình lặng bỗng như thay đổi màu sắc, một không gian mới như được phủ lên cái nắng hanh nhẹ nhàng, tươi tắn. Hàng cây so đũa hai bên mương đã nở đầy bông trắng muốt, đong đưa trong gió. Món canh chua cá lóc đồng với bông so đũa, me non là món khoái khẩu của đám con gái vùng này. Cá lóc đồng tươi chợ bán sáng nay, mẹ mua về làm sạch sẽ, cho vào nồi nước me non chua đang sôi, cộng với cái vị ngọt nhẩn, hơi đăng đắng của bông so đũa đã trở thành bản phối tròn vị nhất. Canh chua miền Tây ngọt vừa, thơm lừng mùi ngò gai, ngày bé có thể khiến bạn ăn hết 2,3 chén cơm nóng, để khi xa nhà, nhiều người con xa đã nhớ đến quay quắt.
Với đám trẻ chúng tôi ngày xưa, kỷ niệm mùa gió chướng về không chỉ có so đũa trổ bông, mà hầu như nhiều loại cây cối trong vườn, hoa lá cũng bung nở. Còn nhớ, lúc đám mía trước nhà cha trồng, năm đó chưa kịp thu hoạch, gặp gió chướng về, trổ cờ trắng sân. Trái với sự lo lắng của cha mẹ về vụ mùa bị ảnh hưởng chất lượng đường không cao, khi mía trổ cờ, chúng tôi vô tư chơi trò đuổi bắt, trốn tìm, chạy quanh những luống mía cao rậm, mà quên cả những cái lá bén như dao cứa, cắt xước cả da.
Con đường làng đi học về của lũ trẻ ngày đó, mùa này nước cũng lên cao mấp mé bờ, ngập hơn nửa chiếc cầu tre bắc qua con rạch nhỏ. Song với đám học trò quê, nước tràn bờ cũng đồng nghĩa với niềm vui được đi câu cá bống dừa, chông tép trong mương sau nhà, chiến lợi phẩm được nhiều hơn, cho bữa cơm tối ngon hơn với nhiều món cá bống kho, tép rang dừa thơm nức mũi…
Sau 30 năm, những con đường làng trơn trượt ngày nào đã được bê tông hoá, không còn những cây cầu khỉ thử thách nhiều người thành phố đến chơi nữa, nhưng con nước rong mùa này vẫn còn theo thủy triều lên ngập các bờ dừa sau vườn nhà. Tháng chạp đây đó vẫn náo nức trong lòng đám trẻ con, khi trong xóm các dì, các mẹ đã xong mẻ lạp xưởng đầu tiên, phơi dài theo những hàng rào bên nhà. Bên chảo mứt dừa non đầu tiên, mợ Mười cười tươi giữ lửa đều tay cho khéo, chuẩn bị sẵn sàng cho đám cháu xa về ăn, xuýt xoa khen dừa xứ Bến Tre mình sao thơm và béo ngậy đến thế.
Năm nay, vùng quê nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi ngập mặn, cây cối vẫn chưa kịp hồi sức sau những cơn mưa, nhưng mấy bụi chuối xiêm vẫn cứ bền gan tươi tắn cho mấy buồng dài tươi tốt. Vậy là, bên cạnh mứt dừa của mợ Mười, thể nào mẹ cũng dành ra hai ngày để làm ổ mứt chuối đậu phộng. Món mứt chuối này là sở trường của mẹ, bên cạnh bánh phồng mì, bánh tráng nướng, mứt chuối (hay còn gọi kẹo chuối) đã luôn có mặt trên mâm bánh mứt tết của mỗi gia đình vùng quê ba đảo dừa xanh này.
Không biết đã mấy chục năm trôi qua, nhưng món này luôn là thử thách với nhiều người phụ nữ nội trợ quê. Chuối chín, sau khi ép mỏng, phơi khô trên liếp ba ngày, các bà các chị cho lên bếp, ngào chung với đường, gừng cắt sợi, đậu phộng rang, mè… theo một công thức gia truyền. Quy trình này kéo dài hàng giờ liền, cho đến khi món kẹo chuối đặc sệt, kéo mỏi cả tay, được trải đều trên bề mặt chiếc mâm được phủ đầy dầu dừa và các loại hạt. Khi mứt nguội đi, cũng là lúc người ta dùng dao thoa đều lớp dầu dừa cắt ra từng thanh nhỏ, dùng giấy bóng quấn thành những viên kẹo vuông vức, xinh xắn. Mấy ngày giáp Tết se lạnh, ngồi quanh quần bên bếp lửa nấu bánh tét, với bình trà nóng, món mứt chuối “cây nhà lá vườn” đưa vị ngọt, cay cay, thơm lừng mùi chuối chín khiến câu chuyện chiều 30 Tết ấm áp , ngọt ngào hơn.
Năm nay, trải qua nhiều khó khăn, dịch covid bùng lên mấy lần khiến công việc làm ăn bộn bề khó nhọc hơn, ai cũng than tết, ngán tết , mong tết chậm đến hơn một chút, nhưng cả tuần này không khí lạnh từ miền Bắc tràn về khắp phố, khiến lòng những đứa con xa bắt đầu cộm lên nỗi nhớ Tết quê, nhớ cái mùi tháng chạp thương yêu, quyến rũ những ai xa nhà phải trở về, để tận hưởng, để thoả nỗi thương nhớ mùi quê hương đã ăn sâu vào tiềm thức. Vậy là bắt đầu những ngày đếm lịch âm song hành cùng lịch dương, đề lên kế hoạch về quê tảo mộ ông bà, coi lau dọn bàn thờ, sơn phết nhà cửa giúp cha mẹ, chuẩn bị làm mâm cơm cuối năm…