Nói thách và mặc cả đã 'hết thời'
(DNTO) - Khi người tiêu dùng càng ngày càng chuộng cách mua hàng online hoặc thông qua sàn điện tử thương mại, chợ truyền thống muốn tồn tại cần thiết phải điều chỉnh lại cách buôn bán của mình, trong đó có thói quen nói thách. Tất nhiên, không chỉ có người bán, người mua cũng cần từ bỏ việc mặc cả đã trở thành thói quen này.
Chợ của người Việt trải qua hàng nghìn năm được nhìn nhận như một nét văn hóa với đầy đủ những đặc trưng rất riêng. Trong đó không thể không kể đến thói quen nói thách. Nói thách là nói giá cao hơn so với giá định bán để người mua trả giá (mặc cả) xuống cho đến khi hai bên thuận mua vừa bán.
Ban đầu chợ ra đời là để làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa giữa người dân trong cùng địa phương với nhau, nên đối tượng mua bán cũng bó hẹp trong phạm vi hàng xóm láng giềng, hàng hóa cũng đơn giản là mớ rau, con cá…
Dân gian có câu “bán không thêm nằm đêm không ngủ”. Thêm cộng hành trái ớt khi bán, bớt một vài đồng tiền lẻ khi mua. Sự thêm bớt ấy là một liệu pháp tâm lý làm cho việc mua bán mang yếu tố tình cảm, thân thiện hơn, nó khiến cho cả người mua lẫn kẻ bán đều cảm thấy thỏa mãn, dễ chịu.
Theo đà phát triển, chợ cũng càng ngày càng mở rộng hơn về quy mô và thành phần lẫn mục đích thương mại. Sự thêm bớt trở thành nói thách và mặc cả.
Khi người bán nói thách thì người mua cũng biết trả giá. “Cặp bài trùng” này có chung một xuất phát điểm là tâm lý muốn tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh/tiêu dùng. Người bán bao giờ cũng muốn thu về được nhiều lãi nhất. Còn người mua lại muốn mua món hàng với giá rẻ nhất có thể. Đó là một phép biện chứng trong quan hệ mua bán (ngay cả trong kinh doanh thời hiện đại người ta vẫn chấp nhận thương lượng trong mua bán).
Tuy nhiên, do sự nói thách và mặc cả càng ngày càng biến tướng, nó thuần về sự tính toán kinh tế hơn là thú vui nơi kẻ chợ. Nó gây ra sự bất lợi cho người mua khi bị “sộ” giá do người bán nói thách quá xa giá thật của món hàng. Nó cũng bất lợi cho người bán khi phải tốn nhiều công sức mới bán được một món hàng.
Để cải thiện tình trạng này, người ta bắt đầu phương cách niêm yết giá. Niêm yết giá ngày cảng tỏ ra là một phương thức hiệu nghiệm trong thị trường bán lẻ. Ngày nay, giá cả các mặt hàng đã được công khai hóa trên các phương tiện thông tin. Không những người dân có thể biết được giá cả các mặt hàng trong nước mà còn cập nhật được giá các mặt hàng ở nước ngoài. Đồng thời, việc mua sắm tại những siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi - những nơi niêm yết giá cả rõ ràng, thống nhất cho mọi đối tượng… được người dân cũng như du khách chọn lựa.
Vì thế, tình trạng nói thách cũng không còn đất để hoạt động. Hiện nói thách chỉ còn ở các chợ truyền thống hoặc các loại hình bán rong và đa số nhắm vào khách du lịch chưa có kinh nghiệm đối phó với việc này.
Khi người tiêu dùng càng ngày càng chuộng cách mua hàng online hoặc thông qua sàn điện tử thương mại, chợ truyền thống muốn tồn tại cần thiết phải điều chỉnh lại cách buôn bán của mình, trong đó có thói quen nói thách, thậm chí đưa ra một cái giá cách biệt quá xa với giá trị thật của món hàng. Tất nhiên, không chỉ có người bán, người mua cũng cần từ bỏ việc mặc cả đã trở thành thói quen cố hữu của mình.
Nói thách và trả giá là nét đặc trưng của chợ. Tuy nhiên, theo thời gian, nói thách ngày nay không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, không còn phù hợp với cung cách mua bán hiện đại. Chúng cần được loại bỏ để tiến tới một môi trường kinh doanh lành mạnh và văn minh.
Tết đã đến bên thềm nhà, đi chợ tết không chỉ là mua sắm, đi chợ tết còn là một nét văn hóa là một dấu ấn kỷ niệm đã đi vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Hy vọng mọi người sẽ có một phiên chợ tết vui vẻ sảng khoái với việc mua bán không nói thách và mặc cả.
Ngoài tuyên truyền vận động, hiện nay tại các chợ, nhiều biện pháp chế tài cũng được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng nói thách. Vừa qua, Ban quản lý chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) đã đình chỉ kinh doanh 7 ngày đối với sạp kinh doanh liên quan đến vụ nói thách 3 đôi vớ 700.000 đồng, cao gấp 10 lần giá bán, đã được YouTuber người Nhật đăng lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.