'Trời ơi! Nhớ chợ gì đâu!'
(DNTO) - Đã bao giờ bạn nhớ quay quắt một nơi nào đó, một việc gì đó hoặc một ai đó không? Với tôi, những ngày trốn trong nhà vì dịch bệnh, với vô biên nỗi nhớ, tôi bỗng dưng nhớ chợ! Nỗi nhớ đầm đìa, bủa vây, thao thiết…
Hiểu một cách thông thường, chợ là nơi diễn ra việc mua bán hàng hóa, chủ yếu là lương thực thực phẩm, rau củ quả phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Nếu chịu khó quan sát một chút nữa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra, ngoài một số rất ít các chợ được xây dựng ngay từ ban đầu, hầu hết sơ khai, chợ là do tự phát, gọi là chợ chồm hổm. Sau đó, do sự phát triển ngày một sầm uất, sung túc, người ta sắp xếp cho có quy củ, phân chia khu vực, cất nhà lồng và đặt cho nó một cái tên, đa phần là theo cách gọi dân gian, thế là thành một ngôi chợ.
Chợ có một đời sống cực kỳ mạnh mẽ và bền bỉ, “khó tiêu diệt”. Kể cả khi các hệ thống siêu thị ra đời rộng khắp, với đầy đủ các thể loại mặt hàng phong phú, không gian sạch sẽ thoáng mát, máy lạnh chạy rì rì, hàng giao tận ngõ thì chợ vẫn “sống khỏe”, tấp nập, bất kể nắng mưa…
Cũng giống như mái trường, chợ là nơi gắn liền với khung trời tuổi thơ, trở thành ký ức không dễ nhạt phai của mỗi đời người.
Với tôi, đó là cái chợ quê nằm ngó mặt ra dòng sông quanh năm đỏ đục phù sa. Ngôi chợ nhỏ như lòng bàn tay với những gian hàng bày trí dọc ngang tựa như những đường chỉ tay ngoằn ngoèo trên cái hình vẽ trong sách của ông chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Nhưng ở đấy, mở ra trong tôi một thế giới bao la, đầy màu sắc, huyền hoặc và bí ẩn với những viên kẹo mút “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng” của ông Tài Phú; chỗ xe bán kẹo bông đường và cái bàn tò he cùng một mối tình đơn phương thơ mộng với anh thợ nặn tò he trẻ trai nơi góc chợ.
Tôi lớn lên, trở thành thiếu phụ, sáng sáng xách giỏ lội bộ dọc bờ sông, vẫn là ngôi chợ quê ấy, đơn sơ mấy cái sạp tre bày bán mớ rau con cá.
Ở đó, tôi được đắm mình trong những âm thanh quen thuộc: Tiếng mời chào chèo kéo dai như đỉa của mấy chị hàng tôm, hàng cá; tiếng rao hàng dần lân nghe mắc cười không chịu nổi của anh bán đồ lạc son, hay chú bán thuốc sơn đông mãi võ.
Lại ngửi thấy không biết bao nhiêu là mùi: Mùi hành phi của gánh cháo lòng, mùi lá mơ của bánh cục, mùi lá dứa của bánh da lợn, mùi tanh tưởi của thịt cá… Và hơn hết là được gặp gỡ mọi người, nghe một câu chào, một tiếng hỏi thăm, được mặc cả kỳ kèo, được thêm cọng hành trái ớt, thấy hả dạ.
Cho đến khi rời bỏ cái chợ quê về làm người đàn bà thị thành, tôi vẫn không bao giờ quên được cái giọng lơ lớ của chú Chệt bán thịt heo kêu giựt ngược: “Cô Hai, cô Hai... Bữa nay cô Hai có lấy thịt của ngộ hôn?”. Mỗi lần như vậy, tôi vẫn hay chọc anh: “Dạ có. Mà em mua thịt heo chớ hổng lấy thịt anh”.
Mới hay, chợ không chỉ để mua bán, chợ còn là nơi để người ta gặp gỡ, tâm tình, để “tám” chuyện đầu làng cuối xóm. Chợ là “trung tâm tin tức, thời sự”, là nơi “giao lưu văn hóa”… Rất nhiều "vụ án tình" lâm ly bi đát được phá án từ các “thím tám” nơi cửa chợ.
Tôi mang tất cả buồn vui ở cái chợ quê ấy về làm thị dân của Sài Gòn hoa lệ. Mỗi sáng ra ngôi chợ gần nhà, ngỡ ngàng làm quen với cô hàng thịt, với chị bán rau. Mười sáu năm, ngôi chợ có cái tên thơm tho, ấm áp và ngộ nghĩnh Nhị Thiên Đường đã trở thành quen thuộc. Đến nỗi, chỉ cần nghe “má ơi má, con chừa má thịt ngon nè”, “cô Hai, nay hông ghé con hen?”, “mẹ yêu, cá lòng tong kho khô bà đẻ đi” … nhiêu đó thôi là sẵn sàng móc hết “hầu bao”.
Vậy đó mà…
Dù là người có trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng không ai có thể nghĩ ra có ngày chợ đóng cửa, không phải 1 -2 mà hàng trăm ngôi chợ lớn nhỏ bị giăng dây, đìu hiu, quạnh vắng đến nao lòng.
Gần tháng rồi, chợ đóng cửa, cũng không dám ra siêu thị chen lấn, tôi sống bằng lương thực viện trợ của bạn bè, của học trò, thiếu chút đỉnh thì đặt hàng online. Mỗi ngày, âm thanh duy nhất mang tính "mua bán" là “giao hàng đây”. Nhưng kể cả khi nhận hàng, người nhận và người giao cũng không dám đứng gần, không dám chuyện vãn, không dám ngó mặt nhau, mượn cái ghế ngoài cổng rào làm “trạm trung chuyển trao đổi hàng hóa”…
Chưa bao giờ tôi chạnh lòng như thế, trước cảnh con người đối xử với con người lạnh lùng, xa cách, thậm chí sợ sệt nhau…
Chưa bao giờ nỗi nhớ trong tôi đầy đặn, riết róng, kể cả khi bị phụ tình, như bây giờ tôi đang… nhớ chợ.
Chúng ta từng chiến thắng biết bao nhiêu cơn giận dữ của đất trời. Chúng ta nhất định sẽ vượt qua cơn đại dịch khủng khiếp này bằng sức mạnh đoàn kết, bằng nghị lực, kiên trì, bằng ý thức tuân thủ một cách triệt để chủ trương chống dịch của Chính phủ. Chỉ cần ở yên trong nhà, chúng ta nhất định sẽ vượt qua.
Và tôi, nén nỗi nhớ chợ vào tâm thức, đợi đến ngày lại được gặp chị bán rau, cô hàng cá, bà bán thịt ở cái “trung tâm tin tức, thời sự” thân thương ấy!