Nỗi lo bạo lực học đường trực tuyến
(DNTO) - Không giống như bạo lực học đường “truyền thống”, bạo lực học đường trực tuyến xảy ra thông qua các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, diễn đàn và các hội nhóm trên internet. Nó đang là một hiện tượng đáng lo ngại của cộng đồng và gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý và tinh thần của hàng triệu học sinh.
Sáng hôm qua 3/11, tại buổi tuyên truyền phổ biến một số đạo luật trong đó có Luật phòng chống bạo lực học đường, Luật sư Bùi Minh Nghĩa – Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, bạo lực học đường đang có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi, trở thành vấn nạn xã hội, đặc biệt là bạo lực học đường trực tuyến.
Bạo lực học đường trực tuyến là gì?
Bạo lực học đường xưa nay được biết đến là những cuộc ẩu đả cá nhân, tập thể, nắm tóc, xé quần áo, đánh đấm nhau giữa học sinh với nhau như thường thấy. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội, có một loại bạo lực học đường đang trở nên phổ biến và hậu quả của nó cũng nghiêm trọng không kém. Đó là bạo lực học đường trực tuyến.
Bạo lực học đường trực tuyến không xảy ra ngoài đời thực mà xảy ra trên không gian mạng thông qua tin nhắn, email, diễn đàn trực tuyến và các nền tảng khác như facebook, instagram, zalo.
Các hình thức bạo lực học đường trực tuyến thường bao gồm xúc phạm, sỉ nhục, quấy rối, đe dọa, uy hiếp tinh thần, thao túng tâm lý… đối phương bằng lời lẽ, hình ảnh; Quay clip xâm phạm quyền riêng tư, lăng mạ, hay chia sẻ thông tin xấu của người khác trong cộng đồng học đường…
Trong thời gian gần đây thỉnh thoảng mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh học sinh THCS lao vào túm tóc, dùng tay, chân đánh đấ xé quần áo nhau. Mẫu số chung của các trường hợp này thường là: Không chỉ học sinh khác không can ngăn mà có bạn còn dùng điện thoại quay lại rồi đăng tải lên mạng xã hội. Chính hành động đăng tải lên mạng xã hội này đã khiến cho nạn nhân bị một cổ hai trồng vừa bị bạo lực học đường “truyền thống” vừa bị bạo lực học đường trực tuyến. Đoạn clip lan rộng nhanh chóng có thể được lưu trữ và truy cập dễ dàng… ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống và tương lai nạn nhân. Đây là hậu quả nghiêm trọng của bạo lực học đường trực tuyến.
Tuy chỉ “lưu hành nội bộ” nhưng dạng bạo lực học đường trực tuyến bằng ngôn ngữ với nội dung ganh ghét, đố kỵ, chế giễu, cợt nhã, hăm dọa, khiêu khích, chửi bới, nói xéo, phán xét hay là miệt thị… trên các hội nhóm trực tuyến, Facebook, Fanpage… gây ra bạo lực tinh thần, sẽ khiến các bạn rơi vào trạng thái hoảng loạn, căng thẳng, trở thành nỗi ám ảnh của tuổi học trò. “Sàn chiến” ảo nhưng nhưng hậu quả là có thật.
Đừng im lặng
Cũng gống như bạo lực ngoài đời, để giảm thiểu hậu quả của bạo lực học đường trực tuyến, đặc biệt là gia đình trong vai trò giáo dục, giám sát, phối hợp với nhà trường và cộng đồng, Đối với trẻ nhỏ nếu cần thiết nên sử dụng công nghệ giám sát và bảo vệ con trẻ.
Về phía nhà trường cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em không mất nhiều thời gian trên mạng, chú trọng hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề khi gặp phải bạo lực học đường, trong đó có bạo lực học đường trực tuyến.
Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa, hiện nay khi bị bạo lực trực tuyến, đa phần học sinh tự tìm cách ứng hoặc im lặng chứ nhà trường chưa có nhiều chương trình phòng ngừa, hướng dẫn kịp thời để ngăn chặn vụ việc xảy ra.
Cuối cùng cần xử lý nghiêm khắc đủ độ răn đe. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Xuân Mai (Đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ rõ, bạo lực học đường không chỉ là hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ sẽ có 4 hình thức xử lý bạo lực học đường, gồm: xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự và bồi thường dân sự.
Hiện nay, có thể thấy hiện tượng bạo lực học đường trực tuyến là thực trạng đáng báo động và cần được quan tâm. Bạo lực học đường trực tuyến tạo ra một môi trường học đường không an toàn.
Với các em học sinh, bất kỳ khi nào các em cho rằng mình đang bị bạo hành học đường trực tuyến, bước đầu tiên là các em tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng như cha mẹ, hoặc một người lớn đáng tin cậy khác trong gia đình, họ hàng, thầy cô… Nếu thấy cần thiết và cần giữ bí mật hãy gọi cho tổng đài 111 để nói chuyện với một cố vấn chuyên nghiệp.