Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, nghĩ về bình đẳng giới
(DNTO) - Thực tế ngày càng cho thấy không phải là phụ nữ, mà nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới. Ngày nay, có một bờ vai để tựa đang là nhu cầu của nam giới. Ngày 8/3 thay vì đòi hoa và quà, hãy đưa bờ vai cho người đàn ông của mình tựa vào, chắc chắn các chị sẽ nhận lại được muôn vàn tình yêu thương hơn ngàn vạn đóa hoa.
Mỗi năm cứ đến ngày 8/3, Lịch sử ra đời ngày Quốc tế phụ nữ lại được nhắc đến. Bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm của nữ công nhân nước Mỹ vào ngày 8 tháng 3 năm 1857. Từ đó 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ mục đích đấu tranh ban đầu, ý nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ được mở rộng ra, được nâng lên thành ngày đấu tranh quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, mặc dù hằng năm Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đều mở ra các buổi tập huấn tuyên truyền về Lịch sử ra đời ngày Quốc tế phụ nữ. Các phương tiện truyền thông, báo đài, trang mạng cũng được dịp nhắc lại…
Nhưng hầu như đa số chị em phụ nữ Việt, nhất là các bạn gái trẻ, không nhiều người quan tâm. Đa số họ mặc định đây là ngày dành cho nam giới thể hiện sự chăm sóc, yêu thương với người phụ nữ. Đặc biệt không thể thiếu việc tặng hoa và quà.
Đã có trường hợp trong các trường mầm non, cô giáo quy ước bạn nam phải xách cặp cho bạn nữ từ cổng vào lớp và chiều ngược lại khi vào học và tan trường trong ngày 8/3.
Phổ biến ở các công sở là việc các anh đàn ông trong ngày này sẽ bày tiệc và đích thân vào bếp nấu nướng đãi chị em phụ nữ. Các chị chỉ việc đến nhận hoa, nhận quà rồi ngồi chơi xơi nước chờ… được phục vụ.
Tặng hoa và quà ngày 8/3 là một nghĩa vụ của nam giới đối với phụ nữ nằm trong quy ước bất thành văn. Rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt xảy ra xung quanh việc tặng hoa, tặng quà trong ngày 8/3 đã trở thành giai thoại.
Ngày 8/3 còn được coi là ngày thực hiện bình đẳng giới, một mong muốn “cháy bỏng” của phụ nữ Việt. Tuy nhiên, nội dung về bình đẳng giới trong thực tế lại chưa có nhiều chị em hiểu một cách đúng nhất như bản chất mà nó vốn có. Quan điểm về bình đẳng giới “lệch lạc” này xuất phát từ ý nghĩ, chị em cho rằng nam giới là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng. Vì vậy nam giới phải có trách nhiệm thực thi bình đẳng.
Điều này dần dần tạo ra một thực tế: Không phải là phụ nữ, mà nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Việc tặng hoa tặng quà vào ngày 8/3 là một ví dụ. Trong khi đại đa số phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa và quà của nam giới vào ngày mùng 8/3 vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng, thì ở Việt Nam, vào ngày này, nơi nào có phụ nữ là mấy anh nơi đó lo mà chạy sốt vó nếu không muốn bị mang tiếng là “không đáng mặt đàn ông”.
Một ví dụ khác. Nói là bình đẳng giới nhưng chị em vẫn mặc định trụ cột gia đình là vai trò của nam giới. Cá biệt, chị em đóng vai trò trụ cột gia đình là y như rằng chị em coi đó là một thành tích, là niềm kiêu hảnh về tài năng của mình. Rồi xem thường người đàn ông bên cạnh, tạo áp lực đè nặng lên đôi vai nam giới. Vô hình trung một kiểu bất bình đẳng giới “mới” đã được xác lập.
Đã đến lúc cần một bờ vai để tựa không còn là đặc quyền của phụ nữ. Đàn ông cũng rất cần một bờ vai để tựa.
Đã qua lâu lắm rồi cái thời đàn ông chạy nhảy trong rừng săn thú, đàn bà ở nhà hái lượm, đẻ con. Ngày nay thời đại 4.0, thời của robot được cài đặt trí tuệ nhân tạo, thời của tự động hóa, không cần sức mạnh cơ bắp, với một cái nút bấm thì ngón tay đàn ông hay đàn bà cũng mạnh như nhau. Không những thế, ở một số vị trí đòi hỏi sự bình tĩnh, khéo léo, duyên dáng thì các nhà tuyển dụng lại chuộng phái yếu hơn.
“Chưa bao giờ làm đàn ông khó như bây giờ. Không thăng tiến thì bảo rằng không có sự nghiệp. Mải lo sự nghiệp, đùn đẩy hết việc nhà cho vợ thì lại bảo là "vô trách nhiệm với gia đình". Chăm chỉ nội trợ cho vợ yên chí đi làm thì lại bảo là "quẩn quanh xó bếp". Vừa làm việc vừa liếc đồng hồ chờ tan sở chạy vội về nhà nấu cơm, rửa bát, lau nhà thì lại bảo là "không có chí tiến thủ". Đằng nào cũng “chết””- chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa “than thở”.
Có lẽ đã đến lúc chị em cần thấu hiểu “bình đẳng giới” bằng một khái niệm phù hợp hơn trong thời đại mới. Đã đến lúc chị em không nên đẩy đàn ông về phía bên kia trong cuộc đấu tranh này. Hãy cũng nhau đứng về một phía, nâng đỡ, thậm chí đưa bờ vai cho các anh tựa vào để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội công bằng, văn minh và bác ái.
Trước mắt, ngày 8/3 năm nay, chị em nhớ đừng để hoa và quà trở thành nỗi ám ảnh của những người đàn ông xung quanh mình. Tiến tới “học theo” phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ từ chối nhận hoa và quà của nam giới vào ngày mùng 8/3 nhằm thể hiện tư tưởng bình đẳng giới một cách đúng nghĩa.