Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi: 'Được gọi là gì tôi cũng rất tự hào'
(DNTO) - Nổi tiếng là ông chủ của thương hiệu xe đạp Martin 107 hàng chục năm qua, nhưng ít ai thấy nhà thơ Lâm Xuân Thi lên tiếng về câu chuyện kinh doanh. Với nhiều người yêu thơ, Lâm Xuân Thi được biết đến với nhiều bài thơ hay, và đặc biệt là người tạo nên Quỹ tình thơ ấm áp.
Ông chủ thành công nhưng kín tiếng
Ít khi lên tiếng về công việc kinh doanh, như Lâm Xuân Thi từng khẳng định: “Khoảng 10 năm qua tôi không nói về chuyện kinh doanh… Tôi chỉ nói về thơ với bạn bè trên Facebook”. Tuy nhiên, với nhiều người nhà thơ, Lâm Xuân Thi được biết đến nhiều với tư cách doanh nhân khi là chủ thương hiệu xe đạp Martin 107. Anh cũng là một trong những hội viên sáng lập ra Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM (nay là Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM).
Với nhiều khách hàng, nhất là tại thị trường TP.HCM, thương hiệu xe đạp Martin 107 vẫn luôn là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt nam chất lượng cao, xuất đi thị trường Nhật cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng tại đây. Cho đến hiện tại, sau nhiều cải tiến, thay đổi mẫu mã, thương hiệu xe đạp Martin 107 vẫn luôn được nhiều khách hàng lựa chọn.
Các sản phẩm xe đạp của công ty ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng như: Xe đạp thời trang, xe đạp thể thao, xe đạp trẻ em, xe đạp điện… Nói về lý do chọn kinh doanh mặt hàng xe đạp, nhà thơ Lâm Xuân Thi dí dỏm: “Tôi kinh doanh từ rất sớm, chỉ vì muốn tự có tiền đi chơi với người yêu mà không phải xin tiền cha mẹ...".
Vậy nhưng, với nhiều bạn văn chương của Lâm Xuân Thi, việc anh kinh doanh xe đạp từ rất sớm có nhiều chi tiết thi vị hơn. “Thời còn là sinh viên, ước muốn có một chiếc xe đạp là giấc mơ của Thi. Mua xe ráp sẵn thì không ưng ý. Ngày chủ nhật, anh lượn khắp các chợ phụ tùng xe để chọn những phụ tùng tốt nhất, sau đó mua về tự lắp ráp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và lấy mác Martin 107. Đến khi cưỡi xe đi học, nhiều người thấy chiếc xe vừa đẹp, vừa chắc ngỏ ý mua lại. Thấy bạn thích thì Thi chiều. Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác và cái vận kinh doanh xe đạp bắt đầu vận vào anh từ đó...”, một người bạn của anh đã kể lại.
Trải qua nhiều khó khăn, để giữ được thương hiệu xe đạp khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm ngoại nhập, thậm chí bị hàng giả nhái thương hiệu, với vai trò Giám đốc công ty TNHH thời trang và xe đạp Martin 107, Lâm Xuân Thi vẫn âm thầm làm việc đưa doanh nghiệp giữ vững được thị trường.
Từ số vốn ban đầu chỉ một lượng vàng, mở tiệm tự tay lắp ráp từng chiếc xe đạp để mưu sinh và để có tiền… “chở bạn gái đi chơi”, đến nay anh đã điều hành một hệ thống cửa hàng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm nhân viên, có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đã cho thấy hình ảnh một doanh nhân đã sớm khởi nghiệp thành công .
Nặng tình... cùng thơ.
Khi được hỏi anh thích được gọi là doanh nhân thành công hay nhà thơ nổi tiếng, Lâm Xuân Thi cho biết: “Trong lòng tôi không có nghĩ suy mình là người nổi tiếng… Kinh doanh thì cũng chỉ là mưu sinh, buôn bán lâu năm nên cũng nhiều người biết… Được gọi như thế nào mình cũng thích, cũng tự hào".
Với nhiều người yêu thơ, Lâm Xuân Thi là gương mặt thơ không xa lạ. Anh làm thơ từ hơn 30 năm, từng đoạt giải thơ hay của tuần báo Văn nghệ TP.HCM cùng với Bùi Chí Vinh, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thái Sơn…
Nói về thơ của Lâm Xuân Thi, nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Mỗi bài thơ của Lâm Xuân Thi là một khoảnh khắc bất chợt, một xúc cảm thật, một hoàn cảnh thật. Thơ anh ít có trí tưởng tượng bay bổng. Đó vừa là ưu điểm và cũng vừa là nhược điểm. Nhưng với anh, ưu hay nhược không quan trọng. Điều cốt lõi thơ là phương tiện giúp anh giải stress hiệu quả nhất. Buồn, anh dựa vào thơ. Vui, anh trò chuyện cùng "nàng thơ". Vốn là người kỹ tính nên Lâm Xuân Thi cũng rất khó tính trong tạo dựng cấu tứ, thi ảnh, ngôn ngữ thơ.
Không ít lần Lâm Xuân Thi nói với tôi rằng, anh thấy vui khi bán được đắt hàng, nhưng càng vui hơn khi làm được một bài thơ ưng ý: “Thơ là nhu cầu tinh thần rất đẹp giúp con người mình thăng hoa”.
Lâm Xuân Thi cũng cho rằng, trong hai con người kinh doanh và làm thơ của anh, cũng không thể tách bạch. Vốn là người yêu chữ nghĩa, xuất thân từ gia đình có ba mẹ đều là nhà báo trước những năm 1975, nên với Lâm Xuân Thi, việc làm quen với thơ được thiết lập từ thời niên thiếu.
Với anh, thơ thật sự là ngừoi bạn cùng anh song hành hàng chục năm qua cho đến hiện tại. Lâm Xuân Thi thường chia sẻ thơ trên mạng xã hội, được nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Ngọc Thiện, Hoài An, Võ Hoài Phú…, đồng cảm phổ nhạc. Dù đến nay đã có hàng trăm bài thơ, nhưng Lâm Xuân Thi vẫn lần lữa, viện nhiều lý do để không in thành sách.
“Tôi không biết ý nghĩa của điều khác nhau là như thế nào! Nhưng tôi thấy có sự bổ sung cho nhau. Thơ làm cho tôi thấy việc kinh doanh của mình cần phải “đẹp” hơn! Đầu óc suy nghĩ nhẹ nhàng hơn… Thơ tôi thường nói về những điều tốt đẹp ẩn hiện trong tình yêu, chen lẫn trong cuộc sống và những nỗi buồn nhẹ như gió, thoảng như mây… Tôi luôn tự an ủi mình trong những nghịch cảnh…”, nhà thơ chia sẻ.
Bên cạnh sự chung tình cùng thơ, điều được nhiều người yêu quí chính là tấm lòng sẻ chia của anh đến với những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền anh luôn đồng hành với việc đồng hành, tài trợ chương trình "Vì nữ sinh nghèo hiếu học" của Báo Phụ nữ, cùng với một vài nhà thơ đứng ra thành lập "Quỹ tình thơ" nhằm góp phần hỗ trợ các nhà thơ tại TP.HCM và các địa phương khác gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc hoạn nạn, già yếu, neo đơn, đau ốm…, hoặc gặp khó khăn khi cần in ấn, phát hành tác phẩm.
Đến nay, "Quỹ tình thơ" đã hỗ trợ các nhà thơ nhiều tỷ đồng,với số tiền từ 5-10 triệu đồng/nhà thơ. “Một trong những điều khó khăn muôn thuở của "Quỹ tình thơ", là các nhà thơ hoàn cảnh khó khăn thường ít khi chịu nói ra. Đôi khi chúng tôi phải tìm hiểu và hỗ trợ…”, nhà thơ Lâm Xuân Thi trăn trở, và anh luôn hết lòng làm những công việc này với tất cả sự trân trọng.
Nhà thơ Hồ Thi Ca: “Dưới góc độ nhà thơ, Lâm Xuân Thi là một tác giả “lạ”, vì anh làm thơ đã trên 30 năm và từng được trao “Tặng thưởng thơ hay” của tuần báo Văn nghệ TP.HCM năm 1990. Vậy mà đến nay anh vẫn chưa in tập thơ cá nhân nào. Anh hay vin vào rất nhiều những “lý do” như: Thơ chưa hay, thơ hiền quá, thơ ngắn quá… để “né” cho bằng được chuyện in tập thơ riêng.
Đọc những tác phẩm của anh, tôi thấy thơ Lâm Xuân Thi cũng lành như chính con người chừng mực của anh. Anh thường làm thơ tình, những bài nhỏ và trong sáng từ ngôn ngữ đến cấu tứ. Nhưng thỉnh thoảng Lâm Xuân Thi cũng “xung trận” xông xáo vào những đề tài thế thái nhân tình, khi ấy thơ anh nhiều ẩn ngữ, ẩn ý hơn, nhưng vẫn là một Lâm Xuân Thi giản dị, chân thành…”.