Muôn màu trong bức tranh chuyển đổi số doanh nghiệp
(DNTO) - Tại tọa đàm "Bứt phá tư duy - Chuyển mình đổi số", thuộc Hội thảo "Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số", chiều 11/8, các diễn giả đã chia sẻ nhiều bài học thực tế trong quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT: Tỉ lệ thất bại trong chuyển đổi số rất cao, khoảng 76%
Ở Việt Nam, hiện các doanh nghiệp hàng đầu đang tích cực đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đi đầu là ngân hàng, thứ hai là công ty bán lẻ, hiện đa phần các công ty bán lẻ đều là công ty công n hệ vì công nghệ tạo sự cạnh tranh cho bán lẻ.
Chúng ta đang chuyển dịch sang nền kinh tế số, nơi mà không một doanh nghiệp, một sản phẩm nào không có số, các lãnh đạo cũng chuyển đổi thành lãnh đạo số, ra quyết định điều hành dựa trên số. Tuy nhiên, tỉ lệ thất bại trong chuyển đổi số rất cao khoảng 76%.
Rất nhiều khách hàng của FPT, kể cả công ty nước ngoài quyết tâm đầu tư rất nhiều tiền phát triển nền tảng nhưng cũng thất bại, chuyển đổi số là thách thức kể cả với doanh nghiệp lớn chứ chưa nói đến doanh nghiệp nhỏ.
Thất bại trong chuyển đổi số đầu tiên là thiếu sự tham gia của mọi người. Tôi gặp không biết bao nhiêu chủ doanh nghiệp, họ đã đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm nhưng sau vài năm gặp lại vẫn không có biến chuyển. Họ nói là không thể truyền cảm hứng của mình cho đội ngũ. Vì vậy chuyển đổi số đầu tiên phải bắt đầu từ trái tim, không phải bắt ai đó làm theo cái gì đó mà phải cho mọi người hiểu được đây là quá trình giúp công ty tăng trưởng, mọi người có cơ hội tăng lương.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BKAV: Chuyển đổi số phải lấy dữ liệu làm trung tâm
Chuyển đổi số điều hành dựa trên số liệu, lấy dữ liệu làm trung tâm, tập trung mọi dữ liệu về Big Data, giống như một siêu thị, đã kết nối sẵn, khi cần một cơ sở dữ liệu là có thể lấy ngay. Ngoài việc lấy dữ liệu làm trung tâm, phải dùng các nền tảng, giống như dùng Photoshop thay cho MS Paint.
Tức hiện nay một vấn đề chúng ta không tư duy theo nghiệp vụ, thì mỗi ngày đối thủ của chúng ta thay đổi rất nhanh. Nếu tư duy theo nghiệp vụ, tìm phần mềm và áp dụng vào hệ thống thì đối thủ của chúng ta đã bỏ rất xa.
Tôi lấy ví dụ tại BKAV, Ban kiểm soát báo cáo hậu kiểm tình trạng nhân viên bật máy qua đêm. Định kì, Ban này sẽ gửi công văn sang Ban công nghệ. Như vậy họ vẫn tư duy theo nghiệp vụ, nếu tư duy theo dữ liệu, họ sẽ biết được máy nào thường xuyên bật qua đêm, từ đó bên công nghệ thiết lập chế độ tự động tắt cho các máy đó. Có số liệu trong tay, chúng ta sẽ hiểu một cách chắc công việc chúng ta đang làm, từ đó đưa ra giải pháp chắc chắn.
Với SME, bước đầu phải tin học hóa, tức các nghiệp vụ hàng ngày phải tin học hóa, như dùng mạng nội bộ, hiện nay không phải mua từng phần mềm mà có nhiều doanh nghiệp cung cấp nền tảng chung để doanh nghiệp đỡ chục năm phát triển.
Với doanh nghiệp lớn đã có hàng chục năm tin học hóa, thay vì nâng cấp phần mềm cũ, có thể sử dụng dữ liệu chung có sẵn, quan tâm hơn để sử dụng nó theo thời gian thực. Việc kiểm soát dữ liệu theo giờ, theo ngày ví dụ như dòng tiền thế nào, khách hàng đặt hàng ở thời điểm hiện tại so với tuần trước, tháng trước ra sao… bộc lộ cho chúng ta những lỗ hổng mà trước đây chúng ta không tưởng tượng ra.
Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận: Chuyển đổi số phải bắt đầu từ một đề bài rõ ràng
Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 33 nghìn tỷ, như vậy hơn 3 năm qua, chúng tôi lớn hơn gấp đôi, nhờ quá trình chuyển đổi số từ những năm 2018. Để mở rộng gần 400 điểm bán như hiện nay, chúng tôi phải có công nghệ, không thể làm theo cách cũ. Ví dụ để ra một chương trình quảng cáo mới chúng tôi phải sử dụng nền tảng đào tạo đồng loạt chứ không thể theo cách trước đây đào tạo từ tổng xuống phòng ban rồi xuống từng điểm bán, từng nhân viên…
Chúng tôi biến nền tảng Workplace thành không gian tương tác giúp tăng khối lượng và tốc độ công việc. Trước đây, đưa một sản phẩm mới từ giám đốc tới 7.000 nhân viên phải mất 3 tuần, giờ trên một nền tảng Workplace, chúng tôi chỉ mất 3 ngày. Hay trước đây tổng giám đốc chúng tôi chỉ gặp 2 cấp báo cáo trực tiếp, chỉ một câu hỏi “làm sao để phục vụ khách hàng tốt hơn?”, chỉ sau 2 phút, tôi nhận được câu trả lời của anh bảo vệ dưới chi nhánh Cà Mau.
Chuyển đổi số không phải áp dụng công nghệ nào mà phải bắt đầu từ việc chúng ta mong muốn giải quyết bài toán kinh doanh nào, theo triết lý nào, chúng ta có rất nhiều lời giải nếu có đầu bài rõ. Áp dụng công nghệ như thế nào mà con người không thích ứng, không hứng thú thì cũng thất bại.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT CNC Tech: Chuyển đổi số cần thí điểm một phần, một phần được giữ lại để nuôi doanh nghiệp
Trong quá trình chuyển đổi số, quan điểm của tôi là bắt đầu càng sớm càng tốt. Ví dụ tại CNC Tech, chúng tôi chọn thời điểm Tết, là công việc khí thế. Vì vậy nếu đào tạo một modun bình thường mất 6 tháng, tôi đặt ra mục tiêu 60 ngày làm xong. Chúng tôi gom nhân viên vào phòng họp lớn, đưa ra tình huống giả lập để họ thực hành giải quyết. Kết quả là thành công trong 45 ngày.
Để chuyển đổi số trong CNC, tôi chọn một bạn có kĩ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này và trao quyền cho các bộ phận đó. Phải chọn ra một người lãnh đạo có thể làm thay cho chủ doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc đó.
Đa số nhân viên trong khối sản xuất của CNC thường sợ bị lộ hành vi vì trước đây họ vừa làm, vừa chơi. Chúng tôi phải đưa ra các chế độ khuyến khích để người lao động thích thú với việc chuyển đổi số.
Doanh nghiệp nên đầu tư từng bước, thí điểm từng bộ phận để giữ cho doanh nghiệp vừa chuyển đổi số, vừa có thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận nuôi phần còn lại, giúp cho chuyển đổi số đi được đường dài.