Muốn hút đầu tư ngành bán dẫn phải chơi với các công ty lớn vì ‘trâu ăn theo đàn’
(DNTO) - Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ kinh nghiệm của việc thu hút đầu tư cho các địa phương là phải kêu gọi những tập đoàn lớn nhất rót vốn.
Doanh nghiệp Việt Nam làm được gì trong ngành bán dẫn?
Chip bán dẫn là linh kiện cơ bản, cốt lõi trong các thiết bị điện tử kỹ thuật số, đặc biệt là các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), mạng 5G, Big Data (dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật)...
Năm 2022, doanh thu ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu đạt 601,7 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng từ 6%-8%/năm; và dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner và McKinsey.
Chuỗi giá trị ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện đã được chuyên môn hóa cao từ khai khoáng, sản xuất wafer, chế tạo thiết bị, thiết kế phần mềm công cụ, thiết kế và sản xuất chip, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, thành phẩm. Trong đó, thiết kế chiếm 50% - 53%, sản xuất 25% – 28% và đóng gói kiểm thử chiếm 8%.
Hoa Kỳ đang đứng đầu thế giới về thiết kế chip và cung cấp thiết bị chế tạo chip, chiếm giá trị cao nhất (39%) trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đài Loan chiếm gần 20% sản xuất chip nhưng sở hữu hầu hết công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới với các loại chip nhỏ nhất dưới 7nm và là nhà cung cấp chip cho các “ông lớn” công nghệ như Intel, Apple, AMD, Qualcomm, Nvidia...
Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn đang hiện diện ở 3 trung tâm gồm: khu vực phía Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang); khu vực phía Nam (TP.HCM) và miền Trung (Đà Nẵng).
Chia sẻ tại Hội thảo về phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thành phố Đà Nẵng hôm 10/10, TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện 75% chip bán dẫn trên thị trường là loại chíp 28nm và cao hơn. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp cận công nghệ về loại chip này để thu về doanh thu lớn.
“Phân khúc IC cho tín hiệu analog và cho vi điều khiển (MCU) rất tiềm năng với Việt Nam vì không có nhóm doanh nghiệp độc quyền như phân khúc Logic và Memory, phù hợp để phát triển IoT (internet vạn vật). Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, VNPT có thể mở rộng phát triển các chip-set cho các ứng dụng IoT, Edge-AI dùng trong nhà thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp,…”, ông Tuyên nói.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới bất ổn do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại, các quốc gia như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đều có xu hướng dịch chuyển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm tái cấu trúc và gia tăng sức chống chịu của chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực tự chủ và an ninh quốc gia. Trong đó Việt Nam được đánh giá là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn.
Đó là lý do vừa qua, trong bản tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ bao hàm cả nội dung về phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn. Đồng thời trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ, đã có nhiều bản ghi nhớ hợp tác được kí kết giữa cơ quan chức năng của ta với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Cần nhân bản các Intel đầu tư vào Đà Nẵng
Ngoài TP.HCM và các địa phương vệ tinh Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết Đà Nẵng có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới.
Cụ thể, địa phương sở hữu khu Công nghệ cao với diện tích lên tới 100 ha cho nhà đầu tư; không gian 300 ha cho R&D và đào tạo; nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới cũng như quyết tâm của lãnh đạo thành phố… Do đó thành phố cần tăng cường thu hút đầu tư để có thể xây dựng nhiều nhà máy bán dẫn ở đây, góp phần nội địa hoá chuỗi cung ứng từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh...
Để làm được điều đó, Đà Nẵng phải tạo lập môi trường kinh doanh, dầu tư thân thiện với các ưu đãi thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các kho và mạng lưới phân phối cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bài học của Tập đoàn FPT là “đứng trên vai người khổng lồ”, tức hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Đà Nẵng có thể kêu gọi các tập đoàn lớn vào đầu tư như Intel trước đó.
“Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì ‘trâu ăn theo đàn’ là tâm lý chung của các tập đoàn nước ngoài”, ông Bình nhấn mạnh.
Để thu hút đầu tư, theo Chủ tịch FPT, Đà Nẵng cần trải thảm đỏ đón doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách thuận lợi cùng tâm huyết của lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, Đà Nẵng cần chứng minh thực lực bằng các con số liên quan đến triển vọng nhân sự, doanh nghiệp, kinh tế...
“Các thành phố thông minh trên thế giới đi theo xu hướng là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đà Nẵng nên xây dựng thành phố theo 2 từ khoá này để tạo sự khác biệt”, ông Bình nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đóng góp 19,76% GDP. Hiện địa phương có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP.HCM) và gấp 3 lần trung bình toàn quốc.
Đà Nẵng cũng là điểm dừng chân của 250 doanh nghiệp sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử. Trong đó có một số công ty thiết kế vi mạch nổi bật như: LG Electrics, Synopsys, Asavarti, Software, Uniquify, Synapse, Viettel, Renesas, FPTSemi, Sannei Hytechs…
“Để thu hút được tập đoàn quy mô quốc tế trong lĩnh vực này như Sam Sung, Intel, Marvell... thì việc xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn bắt đầu như thế nào, cần chính sách gì, mục tiêu, thời gian, lộ trình... Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có điều kiện gì để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất vi mạch bán dẫn (thiết kế, đóng gói, kiểm thử). Hay cơ chế như thế nào để đào tạo, phát triển kỹ sư và thu hút nhân lực chất lượng cao... là những vấn đề đặt ra của Đà Nẵng”, ông Nam nói.
Trong Kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng đến năm 2030 đã xác định: "Ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch"; đồng thời đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đến năm 2030.