Lo ngại của các nhà đầu tư sau cuộc đảo chính tại Myanmar
(DNTO) - Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô đến Myanmar khi nước này bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ cách đây một thập kỷ, nhưng cuộc đảo chính vào đầu tháng 2/2021 có khả năng buộc họ rút lui nhanh vì các mối lo ngại thiệt hại kinh tế.
Lo ngại của các nhà đầu tư châu Á
Mối lo ngại thực sự đối với nền kinh tế Myanmar được cho là không đến từ Mỹ và phương Tây, bởi phần lớn đầu tư nước ngoài ở Myanmar đến từ các quốc gia châu Á. Các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cuộc đảo chính khiến hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Myanmar bị đe dọa.
Theo Ngân hàng Thế giới, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar năm ngoái, chiếm 34% tổng vốn đầu tư được phê duyệt. Yoma Strategic Holdings, doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ô tô và dịch vụ tài chính tại Myanmar, đã tạm dừng giao dịch ở Singapore, nơi công ty được niêm yết.
Tiếp đến là Trung Quốc, Yin Yihang - nhà nghiên cứu Myanmar tại Viện Taihe ở Bắc Kinh, cũng tiết lộ một số quan chức đã tiến hành thảo luận lại về đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar. "Nhiều quan chức bị thay thế trong chính quyền từng tham gia vào quá trình hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là một số thỏa thuận có lẽ cần được đàm phán lại, dẫn đến nguy cơ làm nản lòng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc", Yin giải thích.
Những số liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2% trong năm tài khóa này, trong khi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%. Fitch Solutions dự đoán Myanmar sẽ đạt mức tăng trưởng 6% vào năm tài khóa tiếp theo, nhưng giờ đây, con số này chỉ còn một nửa.
Theo ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế tại Đại học Thương mại Thái Lan, thương mại hàng hóa qua biên giới với Myanmar sẽ vấp phải sự bất tiện và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt của chính quyền quân sự. Do vậy, Thái Lan ước tính có thể thiệt hại khoảng 50 triệu baht mỗi ngày, và lên đến 2 tỷ baht một tháng (66,7 triệu USD) nếu an ninh tiếp tục siết chặt. Ông kỳ vọng cuộc khủng hoảng chính trị của Myanmar sẽ trở lại bình thường sau một tháng nữa, tuy nhiên, cần theo dõi lập trường chính trị và hành động của Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và các nước đồng minh hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể được đưa ra. Bất ổn chính trị tại Myanmar sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương mại và đầu tư ở Myanmar, nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong các nước CLMV (Camphuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
Stephen Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho biết nhiều thành viên thuộc hiệp hội đang kinh doanh tại Myanmar đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay. "Trái tim và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng đến người dân Myanmar, về một giải pháp nhanh chóng, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng này, đồng thời không tước đi sự tiến bộ kinh tế do những dân Myanmar chăm chỉ làm nên", Lamar cho hay.
Phản ứng vang dội từ ngoại ô Yangon - nơi công việc xây dựng tạm dừng đối với dự án bất động sản công nghiệp trị giá 1 tỷ USD do Thái Lan làm chủ - đến Australia, nơi một công ty tài nguyên có trụ sở tại Perth đang phát triển mỏ bạc, kẽm và chì ở bang Shan đã tạm ngừng chia sẻ thương mại.
Nhưng với việc quân đội nắm quyền trở lại, một nguồn tin từ khu vực tư nhân có trụ sở tại Yangon lo lắng cho số phận của 700.000 công nhân trong ngành. Tác động không mong muốn có thể là "suy dinh dưỡng và buôn bán tình dục" đối với hầu hết lao động nữ. Bên cạnh đó, đất nước đang quay cuồng với những khó khăn về kinh tế của đại dịch Covid-19.
Bước đi ngược với kỳ vọng
Từ năm 2017, hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế về nhiều lĩnh vực đã được Myanmar áp dụng. Luật doanh nghiệp mới cho phép người nước ngoài sở hữu đến 35% cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước của Myanmar, giúp mở rộng cánh cửa hợp tác giữa các nhà đầu tư nước ngoài và giới doanh nhân trong nước. Luật mới cũng nới lỏng các quy định đối với doanh nghiệp nhỏ, theo đó cho phép thành lập doanh nghiệp với một cổ đông. Sự cải cách mạnh mẽ về luật doanh nghiệp được nhận định sẽ tạo động lực to lớn để giới đầu tư nước ngoài tìm đến quốc gia châu Á nhiều tiềm năng này.
Lĩnh vực ngân hàng tại nước này cũng đứng trước triển vọng phát triển tươi sáng, sau khi các biện pháp cải cách được triển khai tích cực. Các ngân hàng nước ngoài được phép cho các công ty trong nước vay bằng đồng nội tệ của Myanmar theo mức lãi suất cho vay tiêu chuẩn là 13%.
Tại một hội nghị về đầu tư diễn ra ở thủ đô Naypyidaw hồi năm 2018, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã kêu gọi giới đầu tư toàn cầu rót vốn vào nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh những tiềm năng kinh tế của Myanmar như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường rộng lớn, dân số trẻ… Bà Aung San Suu Kyi tái khẳng định cam kết của Myanmar về tiếp tục thúc đẩy cải cách và xây dựng một môi trường đầu tư thân thiện. Giới chuyên gia thuộc Tổng cục đầu tư và quản trị công ty của Myanmar cho biết, mặc dù đối mặt nhiều thách thức, nền kinh tế Myanmar sẽ tập trung triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư với Nhật Bản và các nước ASEAN. Chặng đường cải cách kinh tế phía trước của Myanmar còn dài và nhiều khó khăn, song những thành công bước đầu từ các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh đã trở thành động lực khích lệ giới chức nước này tiếp tục phấn đấu mang đến sức sống mới cho nền kinh tế.
Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp đầu tư tại Myanmar. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 943 triệu USD; tính đến hết tháng 10/2020 là 724 triệu USD. Số vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar trong năm tài khóa 2020 là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thị trường này. Hồi tháng 12/2020, tại Yangon, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Kinh doanh tại Myanmar trong bối cảnh dịch Covid-19”, Myanmar được đánh giá là thị trường tiềm năng, với vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác đầu tư và phát triển thương mại của Việt Nam.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gửi 350 triệu USD tiền mặt cho chính phủ Myanmar, một phần của gói viện trợ khẩn cấp không ràng buộc nhằm giúp nước này chống lại đại dịch Covid-19.
Theo Reuters, vài ngày sau động thái trên, quân đội Myanmar đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức dân cử khác. Một phát ngôn viên của IMF viết trong email gửi Reuters hôm 2/2: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tác động của các sự kiện đối với nền kinh tế và người dân Myanmar". Người này cũng xác nhận khoản viện trợ 350 triệu USD cho Myanmar đã được hoàn tất vào tuần trước.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar có thể dẫn đến các chính sách cấm vận từ các quốc gia phương Tây. Chuyên gia Aat Pisanwanich (Thái Lan) nhận định, mức độ trừng phạt kinh tế đối với Myanmar sẽ ảnh hưởng đến cả sức mua và đầu tư vào quốc gia láng giềng và dẫn đến thiệt hại đối với thương mại qua biên giới của Thái Lan. Các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ mất 2 đến 3 tháng để đánh giá tác động và chờ xem chế độ quân đội xử lý tình hình.
Đồng thời, các biện pháp trừng phạt sẽ làm khốn đốn thêm đời sống của dân thường Myanmar, khi tổng số người mắc Covid-19 đã lên tới 140.000 người trong tổng số 54 triệu dân. Những vấn đề đó có thể kéo đời sống kinh tế - chính trị của Myanmar thụt lùi đáng kể, ít nhất khó trở lại như cách đây 5 năm, khi bà Suu Kyi trở thành cố vấn nhà nước.