Làm sao xóa bỏ câu nói dân gian 'Một mẹ già bằng ba con ở'?
(DNTO) - Chưa kịp cho mùa hạ chính thức đặt chân vào sân trường, học trò lại 'bị' nghỉ học vì cơn đại dịch Covid-19. Đồng nghĩa với một lần nữa các bà nội ngoại lại phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn… để hỗ trợ phụ huynh trông giữ cháu.
Một góc sân dưới đất tòa nhà, người ta kê những bệ đá để mọi người ngồi thư giản. Nhà chung cư loanh quanh bốn bức tường, khoảnh sân chung là nơi để trẻ nhỏ hít thở khí trời. Đó là nơi bà Ba cùng các người bạn “đồng cảnh ngộ” thường hay tụ tập “giao lưu”. Thời Covid, không dám ngồi gần nhau, bà nào bà nấy khẩu trang bịt kín, chuyện trò từ xa. Lũ con nít cũng khẩu trang xanh đỏ tím vàng chạy loanh quanh.
Bà Ba người miền Tây, lên đây trông cháu nội. Vừa bước vào nhà bà đã hoa mắt khi nhìn thấy một tấm bảng lớn treo trên vách ghi chi tiết lịch ngủ nghê, ăn uống, rửa tay, xịt mũi… của thằng bé. Tất nhiên, cả hai vợ chồng “chính chủ” bận đi cả ngày, không ai kiểm tra được bà có theo sát thời khóa biểu hay không. Nhưng bà vẫn cảm thấy chạnh lòng. Biết sao được, nước mắt chảy xuôi mà… Bà mong chóng hết dịch để thằng bé đi nhà trẻ, bà lại về quê.
Khác với bà Ba, vợ chồng cụ Tiếng không còn cơ hội về quê nữa vì trót nghe lời con gái bán hết ruộng đất, nhà cửa ngoài Nam Định vào đây “cho nó phụng dưỡng”. Mang tiếng là phụng dưỡng nhưng hai cụ suốt ngày quần quật như ôsin.
Tuy vậy, thường khi lũ trẻ ở trường cũng hết cả ngày. Mùa hè chỉ ở nhà dăm bữa lại học hè, sinh hoạt nhà thiếu nhi, trại hè quân đội… đủ kiểu. Cho nên ông bà cũng không mấy vất vả. Đằng này dịch bệnh chúng ở nhà suốt. Thật sự ông bà rất áp lực. Thằng cháu ngoại hiếu động chạy nhảy lung tung, ông theo không kịp, té u đầu, thế là chàng rể về được thể “giằng mâm xán thớt”. Đằng xa xa nhưng mọi người ai cũng nghe rõ giọng bà nặng như có nước: “Phải chi còn nhà đất ngoài quê… ”.
Như cô Ngân còn tội hơn nữa. Cô Ngân chồng chết trẻ, đi làm ô sin cho người ta, nuôi con còn không đủ làm sao mua nhà. Trời thương, con gái cô lớn lên lấy được chồng khá giả. Chàng rể mang mẹ vợ về “nuôi”. Cô Ngân tuổi mới ngoài năm mươi tay chân vẫn còn nhanh nhẹn. Cô nghĩ đi làm cho người ngoài chi bằng làm cho con mình, dẫu sau cũng có cái tình mẹ con. Nhưng cô không lường được việc bị con gái “vô tư giao việc” không chút ngại ngần chẳng khác ôsin. Tháng nào ngửa tay lĩnh lương, cô cũng ứa nước mắt.
Những câu chuyện được các bà thổ lộ trên đây có lẽ rất quen thuộc, và không ít người nghe qua, thấy mình trong đó.
Còn nhớ trên một diễn đàn, chia sẻ về vấn đề này, Đạo diễn Lê Hoàng nhận định: "Tôi cảm thấy rõ ràng hiện nay có một lớp người trẻ xấu một cách tinh vi: Đó là muốn lợi dụng cha mẹ trong vấn đề chăm sóc con cái của mình. Nghĩa là ngay từ khi lên kế hoạch sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng, họ đã đưa ông bà vào danh sách, coi như một sự đương nhiên".
Còn nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam thì phê phán: Có nhiều người trẻ vì thích hưởng thụ, không muốn vướng bận nên "khoán" mọi việc nuôi con cho bố mẹ mình.
Từ xa xưa, văn hóa làng xã ở nước ta đã hình thành nếp sống đại gia đình nhiều thế hệ. Theo đó, con cái được sự bao bọc của ông bà, cha mẹ và ngược lại cha mẹ về già nương nhờ sự phụng dưỡng của con cái. Người phụ nữ thời ấy chỉ ở nhà nội trợ là chính. Cho nên chuyện bà chăm cháu có nhiều thuận lợi.
Ngày nay, sự phát triển xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa đã mang con người ra khỏi làng xã. Nếp sống đại gia đình bị phân hóa. Sự đấu tranh bình đẳng giới dẫn đến người phụ nữ tham gia mọi lĩnh vực ngoài xã hội.
Sự thay đổi đó kéo theo một số quan điểm sống cũng thay đổi theo. Nhưng việc ông bà vẫn phải chăm cháu và nhiều người còn cho đó là trách nhiệm thì hầu như chưa thay đổi mấy.
Theo Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Thảo (Trung tâm tư vấn An Việt Sơn):
Đối với cha mẹ: Cần trao đổi với con cái việc bố mẹ đã lớn tuổi, mọi thứ đều kém đi. Sức khỏe kém, ăn uống kém... Do đó nhu cầu lớn nhất của người già là được nghỉ ngơi, an hưởng niềm vui tuổi già. Cha mẹ có thể hỗ trợ con chứ không chịu trách nhiệm chăm sóc cháu… Dù thương con thương cháu, các bà mẹ cũng không nên quá tận tụy mà làm hết cả phần việc của con, như thế dễ khiến các con có tư tưởng dựa dẫm.
Đối với con cái: Dù cho bố mẹ không than phiền, cũng luôn phải ý thức rằng ỷ lại hoặc lạm dụng sức lao động của bố mẹ là một sự bất hiếu…. Nên thuê người giúp việc, chỉ nhờ bố mẹ phụ giúp giám sát. Còn nếu buộc phải nhờ bố mẹ thì bản thân phải chia sẻ công việc với bố mẹ… Quan trọng nhất là thái độ biết ơn…