Lạm phát Mỹ qua thời kỳ nguy hiểm
(DNTO) - Chỉ số lạm phát tại Mỹ lần đầu tiên cho thấy dấu hiệu đi xuống. Đây là thời điểm Fed có thể nghĩ đến việc ngừng tăng lãi suất.
Chỉ số lạm phát tại Mỹ đã trượt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hai năm qua, một bước tiến lớn cho “cuộc chiến chống lạm phát” lâu dài đang được triển khai bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số đo đạc lạm phát giá cả tiêu dùng tại Mỹ chỉ đạt 3% trong tháng 6/2023, chỉ bằng ⅓ so với con số kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số giá tiêu dùng khác trong tháng 6 cũng tốt hơn dự đoán.
Tin vui này xuất hiện sau hai năm liên tiếp “lạm phát” là chủ đề được bàn cãi nhiều nhất tại Mỹ, ảnh hưởng đến ngành kinh tế cũng như cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là dấu chấm kết thúc cho “cuộc chiến chống lạm phát” của Fed.
Việc Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này gần như đã được ấn định, đưa lãi suất cho vay cơ bản của Mỹ lên mức 5,5%. Nhưng đây có thể sẽ là lần cuối Fed tăng lãi suất trong một thời gian dài.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã “đặt cược” vào khả năng này trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (giờ Mỹ). Lợi suất trái phiếu Liên bang ngắn hạn đã rớt giá, giá cổ phiếu nhìn chung dâng cao và tỷ giá đồng đô la đang đi xuống mức thấp kỷ lục của năm - tất cả sẵn sàng đón đợi Fed giảm nhẹ áp lực lãi suất.
Ryan Sweet, nhà kinh tế Hoa Kỳ tại Oxford Economics, nhận xét: “Các dữ liệu mới sẽ cho Fed lý do để tranh cãi liệu có cần thiết phải đẩy lãi suất lên cao sau tháng này. Công cuộc ‘thắt lưng buộc bụng’ của Fed có thể đang đến điểm dừng”.
Tuy vậy, cần phải lưu ý là lạm phát vẫn còn ở cao hơn mức 2% - mục tiêu mà Fed theo đuổi. Và thời kỳ giảm thiểu cuối cùng của lạm phát luôn là lúc khó khăn nhất.
Hơn thế nữa, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang đối mặt với giá cả cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đại dịch, một vấn đề dàn trải khắp các loại mặt hàng, dịch vụ và được dự đoán sẽ còn kéo dài. Tổng thống Mỹ, Joe Biden, có thể sẽ đối mặt với vấn đề này trong kỳ bầu cử năm 2024.
Ở góc nhìn của Fed, vẫn còn nhiều lý do để lo ngại. Mặc dù lạm phát đang có chiều hướng khả quan, “thuật toán” so sánh làm cho tình cảnh có vẻ sáng sủa hơn sự thật. Con số lạm phát hiện tại đang được so sánh với thời điểm cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng 6/2022, đẩy giá năng lượng lên chót vót. Thậm chí tình trạng tháng sau có thể trở nên tệ hại hơn.
Fed cũng cần phải cẩn trọng để không lùi bước quá sớm. Nhấn mạnh điều này, Giám đốc Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin, nói: “Lạm phát vẫn còn ở mức quá cao. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là 2%. Nếu chúng ta nhẹ tay quá sớm, lạm phát sẽ quay lại cao hơn, và lại buộc Fed phải làm mạnh tay hơn nữa”.
Một trong những yếu tố khiến lạm phát tăng cao là tình trạng bền bỉ của thị trường lao động. Các doanh nghiệp vẫn liên tiếp tuyển dụng, tăng lương bổng,... cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi trả dù giá cả lên cao.
Chi phí nhà ở chiếm hơn 70% số tiền tạm ứng hàng tháng trong tháng 6, trong khi giá vé máy bay và ô tô đã qua sử dụng giảm. Giá hàng tạp hóa, vốn là nguyên nhân chính gây áp lực tài chính cho các gia đình Mỹ, không thay đổi so với một tháng trước đó.
Một thước đo được theo dõi chặt chẽ là giá dịch vụ, ngoại trừ năng lượng và nhà ở, đã ít thay đổi trong tháng 6 so với tháng trước. So với một năm trước, nó đã giảm tốc xuống còn 4%, mức tăng nhỏ nhất kể từ cuối năm 2021.
Ít ra thì, theo lời Jennifer Lee, chuyên gia kinh tế tại BMO Capital Markets, cho phép Fed “thư giãn một chút”. Theo bà, nếu các báo cáo kinh tế trong các tháng tiếp theo đi theo xu hướng tương tự thì “Nó sẽ cho Fed một lý do để tạm đứng bên lề theo dõi”.