Kinh tế Việt Nam nên chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất để phòng thủ, hạn chế rủi ro
(DNTO) - Nếu dịch bệnh kéo dài, tiêm chủng kéo đến quý 1 sang năm thì chúng ta nên có kịch bản xấu là GDP tăng trưởng 5% để phòng thủ và chủ động trong mọi tình huống. Khi đó sẽ không lúng túng, hạn chế được rủi ro, giảm tiêu cực ở mức thấp nhất có thể.
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021?
Sáng 15/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020. Từ đầu năm 2021, Việt Nam trải qua hai đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt dịch từ cuối tháng 4 với những diễn biến khá phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngay tại thời điểm này, chúng ta còn đang theo dõi số ca mắc Covid-19 hàng ngày, hàng giờ, với nhiều quan ngại. Đợt dịch này đã lan đến các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản. Trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức cao hơn.
Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1, và 6,2% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong Kịch bản 1 và tăng 18,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.
Phải chuẩn bị kịch bản xấu
Về phần mình, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trắc trở của việc phục hồi kinh tế hiện nay là khan hiếm nguồn cung, giá cả có nguy cơ tăng và liên quan đến chính sách tiền tệ... Bên cạnh đó là năng lực logistics hiện không đảm bảo.
“Những trắc trở toàn cầu này ngấm vào Việt Nam rất rõ, trên nhiều lĩnh vực, thể hiện qua thâm hụt thương mại, thiếu con chip…Thứ nữa, tăng trưởng không đều và bất định, rõ nhất là ASEAN. Gần đây nhất, tăng trưởng đối với Việt Nam ở một số nước đã đi xuống, do dịch bệnh rất phức tạp”, TS. Võ Trí Thành chỉ ra.
Đưa ra những kịch bản dự báo cho nền kinh tế năm 2021, vị chuyên gia này nêu rõ: “Nếu dịch bệnh kéo dài, việc tiêm chủng kéo đến quý 1 sang năm, thì kịch bản xấu là tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ 5%. Tôi cho rằng chúng ta nên có kịch bản xấu để hy vọng và phòng thủ. Nếu thực tế không diễn ra là tốt nhất. Nhưng nếu diễn ra thì chúng ta sẽ không lúng túng, phải chủ động trong tập hợp lực lượng, nguồn lực… để hạn chế rủi ro, giảm tiêu cực ở mức thấp nhất có thể”, TS. Võ Trí Thành phân tích.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có hai kịch bản tăng trưởng là 5,9% cho kịch bản 1, và 6,2% cho kịch bản 2.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, để phục hồi nền kinh tế và tăng trưởng bền vững, trong giai đoạn này chúng ta phải bắt nhịp với đà phục hồi, nếu không sẽ chậm chân. Đà phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào đầu năm sau, khi tiến trình tiêm chủng đã được đẩy mạnh.
Liên quan đến chủ đề "Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững", nhắc đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đợt 1 của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Thành thẳng thắn cho rằng, gói hỗ trợ đó chưa được như kỳ vọng khi có quá ít doanh nghiệp, người dân được tiếp cận.
Theo đó, với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này, cần có những cải cách, giảm thiểu những quy định để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được, qua đó góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Về vấn đề vaccine, TS. Võ Trí Thành cũng nêu rõ, hiện việc tiêm chủng của chúng ta đang bị chậm. “Chống dịch như chống giặc mà chúng ta lại thiếu vũ khí (vaccine), thì dù có be bờ đắp đập tốt đến đâu mà vũ khí không có thì vẫn rất rủi ro. Bài học của vaccine cũng là bài học của bối cảnh mới từ những rủi ro bất định. Cuộc chơi dù chưa dám chắc thắng nhưng vẫn phải tham gia. Có như vậy mới có cơ hội để vượt qua”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.