Không nên tùy tiện lấy cớ bất khả kháng do Covid-19 để trì hoãn thực hiện hợp đồng

(DNTO) - Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, dịch Covid-19 mặc dù gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các hợp đồng thương mại, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được hiểu là trường hợp bất khả kháng.

Nhiều trường hợp viện dẫn lý do bất khả kháng do dịch Covid- 19 để trì hoàn việc thực hiện hợp đồng là không hợp lý. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, sự xuất hiện của dịch Covid-19 có thể được coi là một sự kiện bất ngờ, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện hợp đồng giữa các doanh nghiệp.
Chi phí thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp tăng lên nhiều lần. Ví dụ đối với doanh nghiệp sản xuất, để xuất khẩu hàng hóa, phải đảm bảo yêu cầu dịch tễ hay phát sinh chi phí bảo quản khi hàng hóa chậm thông quan.
Trong nhiều trường hợp, một số doanh nghiệp không thể thực hiện hợp đồng do yêu cầu của cơ quan hành chính nhằm đảm bảo việc phòng dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng xuất hiện nhiều trường hợp các bên đi vay tiền hoặc phải thanh toán tiền hàng đã lợi dụng dịch bệnh và quy kết đây là trường hợp bất khả kháng để từ chối hoặc trì hoãn việc thanh toán.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại - Viện sĩ của Viện Hàn lâm Quốc tế về Luật So sánh, Trưởng Khoa luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện quy định pháp luật về bất khả kháng được thể hiện trong Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này, sự việc bất khả kháng được xem là sự kiện xảy ra khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Câu hỏi đặt ra là nếu đối chiếu với bối cảnh của dịch Covid-19 thì có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không? PGS.TS Đỗ Văn Đại lý giải, trong thời gian vừa qua, mặc dù xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng rất nhiều hợp đồng vẫn có thể thực hiện: các hoạt động buôn bán vẫn có thể thực hiện, nhiều công trình vẫn có thể tiến hành xây dựng, hàng hóa vẫn có thể xuất khẩu. Vì vậy, bản thân dịch Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, việc xuất hiện của dịch Covid-19 khiến một số địa phương ban hành các biện pháp cách ly, phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này khiến một số doanh nghiệp tại vùng ảnh hưởng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong hoàn cảnh này, dịch Covid-19 cộng với quyết định của cơ quan chức năng có thể được xem là trường hợp bất khả kháng.
“Nếu ai cũng xem Covid-19 là sự kiện bất khả kháng thì không còn hợp đồng nào có thể thực hiện từ trước đến nay. Vì vậy không được lạm dụng, viện dẫn lý do dịch bệnh để khởi động cơ chế bất khả kháng”, ông Đại cho hay.

PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng tùy theo từng trường hợp cụ thể mới có thể xác định có hay không sự việc bất khả kháng do dịch Covid- 19. Ảnh: T.L.
Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại VIAC, PGS.TS Đỗ Văn Đại, cho biết vấn đề xử phạt khi chậm tiến độ hay sai phạm vật liệu thường được quy định rõ trong hợp đồng xây dựng
Nếu việc chậm tiến độ do quyết định của chính quyền để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19, bên chậm tiến độ có thể viện dẫn quy định về bất khả kháng để không bị phạt. Tuy nhiên, nếu điều kiện về sự kiện bất khả kháng không đầy đủ, khi doanh nghiệp xây dựng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì lúc đó sẽ là vi phạm hợp đồng.
"'Tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể để xem xét có hay không sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng; không được sử dụng một cách tuỳ tiện yếu tố dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trên danh nghĩa của sự kiện bất khả kháng”, luật sư Đại nhấn mạnh.
Theo ông Đại, các bên nên xem lại hợp đồng điều khoản bất khả kháng đã đủ rõ để áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh hay chưa. Nếu chưa có điều khoản về Covid-19, trong khi có thể sửa đổi hoặc tạo ra hợp đồng mới thì nên đưa vào hợp đồng sự kiện bất khả kháng trong mối quan hệ với dịch bệnh. Bởi trước đây, sự kiện bất khả kháng thường tập trung vào thiên tai, chiến tranh nhưng đôi khi bỏ quên dịch bệnh. Đối với doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, phải có trách nhiệm thông báo với đối tác theo quy định tại Điều 295, 296 Luật Thương mại 2005.