Covid-19 ‘thổi bùng’ các tranh chấp thương mại
(DNTO) - Chưa bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp nhiều như hai năm vừa qua liên quan đến việc diễn giải các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh”, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho biết.
Tranh chấp “nóng” bởi Covid- 19
Trong bối cảnh Covid-19 khiến các hoạt động giao thương bị gián đoạn bởi lệnh giãn cách, ghi nhận sự bùng nổ số lượng các vụ tranh chấp do các bên không thể không thực hiện hợp đồng, không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), năm 2020 – năm đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã ghi nhận số vụ tranh chấp đạt mức kỷ lục là 1.080 vụ, tổng giá trị tranh chấp đạt 8,49 tỷ USD, gấp 2,25 lần so với năm 2019 là 479 vụ. Trong đó liên quan đến Việt Nam chiếm 8 vụ.
Cũng trong năm 2020, Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC thụ lý tổng cộng 946 vụ tranh chấp, mức cao nhất kể từ năm 2016.
Tại Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã xử lý 221 vụ tranh chấp trong năm 2020, trong đó 46 vụ có yếu tố nước ngoài. Một số lĩnh vực xảy ra tranh chấp do Covid-19 là hợp tác kinh doanh lữ hành du lịch, liên danh xây dựng, chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng dịch vụ phân phối hàng hóa không thiết yếu.
“Chưa bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp nhiều như hai năm vừa qua liên quan đến việc diễn giải các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các bên đối tác đang có hoạt động hợp tác với nhau, họ không thực hiện được hợp đồng do Covid-19, nên đương nhiên họ sẽ viện dẫn lý do bất khả kháng hay thay đổi điều kiện cơ bản”, luật sư Nguyễn Trung Nam, CEO Công ty Luật EPLegal, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho biết.
Cũng trong Hội thảo Hòa giải tranh chấp hợp tác kinh doanh trong bối cảnh đổ vỡ bởi Covid-19, chiều 27/7, luật sư Đặng Việt Anh, Giám đốc Công ty Luật ANHISA, thành viên VMC cho biết, hiện ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Anh cũng chưa có định nghĩa rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng. Do vậy, rất nhiều các bên hiện đang lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đưa vào trường hợp bất khả kháng, nhằm trì hoãn hoặc kết thúc sớm hợp đồng.
“Thực tế, luật sư đứng ra bảo vệ bên nào thì sẽ tìm mọi chứng cứ về pháp lý, thực tế… để bảo vệ quan điểm của bên đó. Bên nào thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ luôn cố gắng chứng minh trường hợp của mình là bất khả kháng”, ông Đặng Việt Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Trung Nam cho rằng đại dịch Covid-19 là yếu tố khách quan, các bên đều bất ngờ và không có sự chuẩn bị trước, nên các bên đều cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng, nếu không thì cũng là trường hợp éo le khiến họ tăng chi phí khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, tất cả mọi bên đều cố gắng đi kiện để đẩy rủi ro sang bên khác và đều cố gắng đưa tình huống của mình vào trường hợp bất khả kháng để kéo dài thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, hoặc chấm dứt kinh doanh.
“Các vụ việc tranh chấp đều đi đến kết quả là, các bên tranh cãi với nhau và rất khó phân định được có hay không xảy ra sự việc bất khả kháng. Bởi dịch bệnh luôn mang tính thời điểm, vì hôm trước có thể đang bị phong tỏa, không thể thực hiện công việc theo yêu cầu, nhưng khi hết giãn cách, các bên lại có khả năng thực hiện hợp đồng”, luật sư Nam cho hay.
Hòa giải thương mại được ưu tiên
Mặc dù các tranh chấp hợp đồng kinh doanh có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng ở một góc độ khác, ông Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc Trung Tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho biết, thay vì lập tức đưa nhau ra tòa, các bên có xu hướng ngồi lại với nhau để xử lý tranh chấp. Lúc này, hòa giải thương mại là hình thức được ưu tiên lựa chọn.
“VMC gần đây cũng nhận được khá nhiều lời đề nghị hòa giải từ một bên, đang chuyển cho bên còn lại. Và bên còn lại trả lời đang xem xét có thể chấp nhận hòa giải tại trung tâm. Nó hơi khác so với bối cảnh những năm trước, khi mà khá nhiều đơn đề nghị hòa giải đã bị bên kia từ chối”, ông Đạt chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Trung Nam, khác với những tranh chấp thông thường, các đối tác trong tranh chấp kinh doanh trước đó đã có sự tìm hiểu lẫn nhau và đồng điệu với nhau, vì vậy mối quan tâm hàng đầu là hợp tác. Nhưng “cực chẳng đã”, vì bị ảnh hưởng của Covid-19, các bên không thể thực hiện điều khoản của hợp đồng mới xảy ra tranh chấp. Vì vậy, những tranh chấp dạng này mang tính chất khách quan nên khả năng sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa giải rất cao.
Là người “cầm cân nảy mực” trong nhiều vụ tranh chấp, luật sư Đặng Việt Anh cho biết, khi hòa giải, yếu tố pháp lý sẽ không quan trọng bằng việc giữ hòa khí và đảm bảo sự cân bằng cả về lợi ích và rủi ro cho cả đôi bên. Để sau khi giải quyết xong tranh chấp, các bên có thể tiếp tục hợp tác với nhau, hoặc nếu không cũng giảm thiểu thiệt hại một cách tối đa.