Kết nối tiêu thụ nhiều đặc sản của Đắk Nông và Hậu Giang tại các siêu thị TP.HCM
(DNTO) - Hôm nay, 30/6, Đắk Nông và Hậu Giang kết hợp với TP.HCM tổ chức chương trình kết nối giao thương nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của hai tỉnh này vào tiêu thụ tại các siêu thị TP.HCM.
Chương trình có sự tham gia của 8 nhà phân phối lớn, các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Saigon Co.op, MM Mega Market Việt Nam... Có 20 gian hàng trưng bày của hai tỉnh Đắk Nông và Hậu Giang. Các sản phẩm của Đắk Nông tham dự chương trình như cà phê bột, cam sành núi lửa, quýt đường núi lửa, hạt mắc ca, tiêu đen, mật ong, tiêu đỏ, hạt Sachi. Hậu Giang có 6 hợp tác xã với các sản phẩm gồm cá thác lác, trái cây, gạo, lươn, khô hải sản...
Ông Võ Công Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông cho biết, hội nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa giữa tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang và TP.HCM. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang tiếp cận thị trường sôi động, tiềm năng bậc nhất cả nước, đặc biệt là hệ thống các siêu thị quy mô lớn tại TP.HCM.
Ông Tuấn cho biết, Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có các điều kiện để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất, chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Các loại nông sản tiêu biểu như cà phê (sản lượng 350.000 tấn), tiêu (60.000 tấn), cao su, điều (20.000 tấn), khoai lang, bắp; xoài (6.000 tấn), bơ (14.000 tấn), sầu riêng…
Theo ông Tuấn, những loại cây trồng trên đã sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn đảm bảo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh có điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống kênh phân phối hiện đại nhỏ lẻ, sức tiêu thụ tại địa phương còn thấp nên việc mở rộng, tìm thị trường tiêu thụ là cần thiết.
Đại diện các hệ thống phân phối cũng cho biết, hệ thống phân phối luôn tìm kiếm các sản phẩm nông sản, đặc sản của từng vùng miền để kết nối, đưa vào tiêu thụ. Theo đó, những chương trình như thế này là cơ hội để các bên gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương đã có 20 hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ được ký kết.