Học sinh chạy xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, trách nhiệm thuộc về ai?

(DNTO) - Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn biến phức tạp, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Trong đó, nổi cộm là việc học sinh phổ thông đi xe máy trên 50 phân khối ngoài quy định của luật pháp.
Kiên quyết hơn nữa trong việc thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, từ ngày 1- 31/10, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đồng loạt ra quân thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ đối với lứa tuổi học sinh trên cả nước. Đây là một thông tin được hầu hết người dân hưởng ứng.

Đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông đường đối học sinh trên cả nước. Ảnh: Internet
Mặc dù được Nhà nước và các cơ quan chức năng quan tâm cũng như đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT của học sinh khi tham gia giao thông bằng xe máy nhất là xe việc chạy xe phân khối lớn chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tiếp tục như cũ.
Chỉ tính riêng ở Hà Nội, từ đầu năm học đến nay, lự lượng chức năng đã xử lý 785 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 427 phương tiện các loại, phạt tiền khoảng 400 triệu đồng, vi phạm về đội mũ bảo hiểm là 352 trường hợp.
Tại TP.HCM, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP.HCM cho biết, trong 3 ngày đầu ra quân (từ 1- 3/10) thực hiện cao điểm, lực lượng đã phát hiện, xử lý 843 trường hợp vi phạm. Trong đó có 496 học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe, 54 trường hợp không có giấy phép lái xe, 39 trường hợp không đội mũ bảo hiểm… Đặc biệt 293 trường hợp vi phạm giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông.
Trong bối cảnh đó, sáng 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam và Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2024 -2025. Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu trên toàn quốc.
Tại buổi lễ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) nhận định lỗi vi phạm học sinh điều khiển xe máy thường rơi vào trường hợp chưa đủ độ tuổi theo quy định; không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Cũng theo Ủy ban ATGTQG, số lượng học sinh, sinh viên bị TNGT vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, chiếm khoảng 40% tổng số vụ TNGT trong cả nước.
Hiện nay, hình ảnh học sinh mặc đồng phục tham gia giao thông trên những chiếc xe máy phân khối lớn không phải là hình ảnh khó bắt gặp. Để xảy ra tình trạng này lỗi hoàn toàn về phía phụ huynh. Thực tế, các em trong độ tuổi học sinh không thể nào tự mua hay sở hữu xe máy. Các em sử dụng xe máy phân khối lớn để tham gia giao thông đều do bố mẹ hoặc người lớn giao cho.
Không chỉ chạy, có em còn lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, đi ngược chiều, rú ga, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… và rất nhiều trường hợp TNGT đã xảy ra.
Giao xe phân khối lớn cho học sinh điều khiển tham gia giao thông là hành vi “Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ” là trái pháp luật, bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 10 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Nghiêm trọng hơn phụ huynh còn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã xảy ra trong thực tế. Tháng 3/2024, Nguyễn Thị Yến (35 tuổi) bị TAND huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi gây tai nạn khiến 1 người bị thương.

Không chỉ xử lý học sinh vi phạm mà còn có thể xử lý hình sự người giao xe nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Internet
Cũng có hành vi giao xe máy cho con là Nguyễn Văn Quang Huy (19 tuổi nhưng chưa có bằng) điều khiển tham gia giao thông gây ra tai nạn làm thương vong hai người, bà Hoàng Thị Kim Lan (TP Huế) đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Huế khởi tố vụ án hình sự.
Đợt đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông đường đối học sinh trên cả nước lần này, không chỉ xử lý học sinh vi phạm mà còn có thể xử lý hình sự người giao xe, nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng.