Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Dũng và Hoài niệm lụa là
(DNTO) - Từ ngày 4 - 14/11, tại The World ArtSpace -TP.HCM, triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng diễn ra với chủ đề Hoài niệm lụa là, với 25 bức vẽ trên lụa, sáng tác trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2022.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sinh năm 1962 tại thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế - Hệ trung cấp (1982 – 1985), Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1996), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng (2013-2018). Mặc dù đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trong nước nhưng đây là lần đầu tiên ông có cuộc triển lãm riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh - đặc biệt chỉ về lụa.
Với 25 bức tranh kể những câu chuyện xưa với phố cổ, và quê, là những hình ảnh tuổi thơ miền Trung… như phố cổ Hội An với những mái ngói thâm nâu, những mảng rêu đầy ắp màu thời gian, những con hẻm nhỏ, những đường phố vắng, những hàng hoa giấy rủ bóng ven đường che bóng chiếc xích lô với dáng nửa nằm nửa ngồi của người đạp xích lô uể oải, đâu đây vang vọng tiếng rao bánh ít, chế mà phù… hẳn đã sống trong ký ức mỗi người, nhất là ai từng duyên nợ với Hội An…
Trong tâm tưởng kẻ xa quê, theo nghĩa cả không gian và thời gian, con người thường hoài niệm ấu thơ với trò chơi ô làng, thả diều, đá cỏ gà… - những hình ảnh chỉ còn tìm trong dĩ vãng. Cảnh sắc riêng một thời khiến thương nhớ cả một đời…
Với phong cách biểu hiện, bằng lối vẽ lụa truyền thống của mỹ thuật Việt Nam, qua chất liệu lụa dệt bằng tơ tằm tự nhiên, màu vẽ Leningrat (Nga), Nguyễn Trọng Dũng thể hiện những hòa sắc phong phú, đầy biểu cảm.
"Phong cách vẽ lụa của Nguyễn Trọng Dũng tựa như một tác phẩm âm nhạc dân gian đương đại - chìm đắm trong rêu phong phố, ẩn trong giấc mơ đồng nội là cảm xúc mạnh của thao thức thời đại đang sống. Và điều đáng nghĩ ngợi khi đứng trước tranh của Nguyễn Trọng Dũng là sự không đơn giản của các mảng hình, sự không dễ dãi với màu sắc, không lệ thuộc vào chất liệu, nhất là không để cho cảm xúc triền miên lôi kéo. Để sau hết, chính vào lúc quay lưng, hoài niệm lụa bắt đầu lên tiếng trong thinh lặng “lụa là”...
Một phần tư thế kỷ trầm ngâm với lụa, đứng trước nguy cơ qên lãng của chất liệu và phong cách cá nhân, Nguyễn Trọng Dũng đã tư duy lặng lẽ cùng với lụa nhằm giãi bày thế giới tâm hồn mình và cất lên tiếng nói chống lại nguy cơ cô độc của con người giữa thế giới này", nhà phê bình Nguyễn Minh Hùng nhận định.
Chia sẻ về cách thực hiện tranh lụa, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Dũng cho biết: "Tùy theo tay nghề, kỹ thuật của mỗi họa sĩ, quy trình vẽ tranh lụa có thể có nhiều cách khác nhau. Có nhiều người thích vẽ lụa khô, người vẽ lụa ẩm, có người lại vẽ không rửa… tùy theo cá tính và cảm xúc của người cầm bút vẽ. Ngẫm lại, vẽ cũng giống như sở thích ẩm thực, mỗi người một vẻ!
Theo tôi, tranh lụa đẹp nhờ sự ẩn hiện của đường nét, của những mảng màu được nhuộm thắm vào trong từng thớ lụa, từng sợi tơ, dưới tác động của ánh sáng, đã tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ, khiến cho người thưởng ngoạn một xúc cảm nhẹ nhàng, thanh thoát. Tranh lụa khi lên 1 - 2 lớp màu, rửa đi, rồi lên màu tiếp… cứ thế đến khi thấy màu trên tranh đã thắm (mặt trước và mặt sau tranh màu đều như nhau) giống như phác thảo hoặc ý đồ của người vẽ thì đã đạt được.
Tranh càng vẽ nhiều lớp, càng rửa nhiều lần, thì các thớ lụa (trong nghề gọi là ganh lụa) nổi rõ lên, khiến cho bức tranh màu trong trẻo, từng sắc thái, đậm nhạt của mỗi mảng màu trong tranh rõ ràng, lôi cuốn người xem".
Ông cũng cho biết, chất liệu lụa làm tranh khác với chất liệu lụa may mặc. Cơ bản lụa vẽ sợi dệt thưa hơn lụa để may trang phục như áo quần… Thông thường, lụa vẽ vẫn có thể dùng để may trang phục, mục đích biểu diễn trong các Lễ hội thời trang như tại Festival ở Huế đã dùng các tranh của các Họa sĩ thành danh như HS Trương Bé, HS Vĩnh Phối, HS Bửu Chỉ… vẽ trên áo dài. Lụa vẽ sợi dệt thưa nên may áo quần dùng hàng ngày mau bị hỏng.
Đã có nhiều địa phương có những làng nghề dệt lụa truyền thống như lụa Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Nha Xá (Hà Nam), lụa Tân Châu (An Giang), lụa Duy Xuyên (Quảng Nam).
Sinh ra và lớn lên tại Xứ Quảng, ông mong muốn được vẽ trên nền lụa quê hương, tận dụng sắc màu bàng bạc và đường nét óng ả của lụa để biểu đạt những trải nghiệm và mơ tưởng, để đi tìm cái đẹp bản nguyên về tranh lụa truyền thống.