Hàng không chở hàng vẫn sống khoẻ
(DNTO) - Trong khi hàng không chở khách và dịch vụ sân bay Việt hụt thu trong quý I, hàng không chở hàng vẫn lãi lớn sau thuế.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm một nửa doanh thu so với cùng kỳ quý I/2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ kỷ lục trong khi các doanh nghiệp cùng ngành khác cũng ghi nhận lỗ sau thuế. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt ảm đạm vì ảnh hưởng dịch bệnh.
Hãng bay lỗ kỷ lục, sân bay hụt thu
Ba tháng đầu 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là mức lỗ quý lớn nhất của Vietnam Airlines kể từ khi hãng bay này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Khó khăn này đến từ cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hàng không nội địa và còn do dịch Covid-19 tái bùng phát vào đúng cao điểm Tết Nguyên đán khiến toàn ngành hàng không hụt thu.
Hãng hàng không khó khăn, lượng khách giảm do lo ngại dịch bệnh khiến các sân bay cũng ghi nhận giảm doanh thu. Trong quý I, ACV - doanh nghiệp vận hành 22 sân bay tại Việt Nam - có doanh thu thuần giảm một nửa so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, ACV ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.904 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh cùng việc giá vốn giảm không đủ mạnh đã khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm tương ứng. Quý I, doanh thu của ông lớn điều hành sân bay đạt 861,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/2 cùng kỳ.
Trong quý I khó khăn, Vietjet Air là hãng bay hiếm hoi có lãi. Hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận doanh thu thuần 4.048 tỷ đồng trong quý I cùng lợi nhuận sau thuế hơn 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận này của doanh nghiệp lại không đến từ vận chuyển hành khách.
Theo giải trình của doanh nghiệp, số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet Air đã đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không. Điều này đồng nghĩa để sinh tồn trong dịch, doanh nghiệp vận tải hàng không đã phải tự vận động để có thêm những nguồn thu phụ trợ khác.
Dịch vụ lao đao, logistic vẫn sống khỏe
Trong khi các hãng bay gặp khó, các doanh nghiệp phụ trợ hàng không cũng có kết quả kinh doanh quý I không mấy khả quan. Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) ghi nhận doanh thu thuần gần 44 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm mạnh khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 19,3 tỷ đồng.
Dù đã có nhiều biện pháp giảm phụ thuộc vào kinh doanh suất ăn hàng không, NCS vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Trong mùa dịch, để bù đắp doanh thu sụt giảm ở mảng suất ăn hàng không, NCS đã phải chuyển sang bán các sản phẩm bánh trung thu, bánh ngọt trong Vinschool và cơm văn phòng... Doanh nghiệp thậm chí mở rộng phân phối sản phẩm trà sữa hàng không nhưng vẫn đang gặp khó để sinh tồn trong dịch.
Tương tự, trong ba tháng đầu năm 2021, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air) ghi nhận doanh thu thuần 58,3 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2020 và giảm 6,8% so với quý trước đó.
Theo giải trình của doanh nghiệp, doanh thu giảm mạnh đến từ ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và tác động sâu sắc đến ngành kinh doanh du lịch, dịch vụ hàng không.
Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không tiết giảm tương ứng đã khiến doanh nghiệp lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Cụ thể, Taseco Air ghi nhận lỗ sau thuế ở mức 31,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16 tỷ.
Một doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco) quay đầu thua lỗ trong 3 tháng đầu năm sau quý gần nhất lãi gần 1 tỷ đồng.
Quý I/2021, Masco ghi nhận doanh thu thuần đạt khoảng 19,3 tỷ đồng, giảm 55,6% so với cùng kỳ 2020. Chi phí bán hàng tiết giảm không đáng kể, trong khi chi phí khác tăng cao gấp đôi quý I/2020 khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế ở mức 3,1 tỷ đồng.
Masco thua lỗ trong 3 tháng đầu 2021 do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, công ty đã lỗ sau thuế 4 trên 5 quý gần nhất, trong đó quý duy nhất có lợi nhuận cũng chỉ ở mức gần 1 tỷ đồng.
Trong khi dịch bệnh hoành hành, duy nhất nhóm các doanh nghiệp logistic hàng không là hoạt động ổn định và có lãi lớn. Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) có quý I kinh doanh khởi sắc dù doanh thu thuần ghi nhận giảm. Cụ thể, doanh nghiệp thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.
Ở đầu trục phía Nam, Công ty CP dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS) cũng ghi nhận doanh thu quý I khả quan, ở mức 196 tỷ đồng. Doanh thu được duy trì so với các quý trước đó giúp doanh nghiệp lãi sau thuế 137 tỷ đồng.
Trong giải trình kết quả kinh doanh quý I, rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng không kỳ vọng vào việc dịch bệnh được kiểm soát trong các quý kinh doanh tiếp theo giúp lượng khách phục hồi.