Giá vàng trong nước không thể cứ ‘một mình một chợ’
(DNTO) - Thị trường vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 7,5 – 8 triệu đồng/lượng. Dù cũng có những phiên đi theo xu hướng thế giới, nhưng vàng trong nước chủ yếu vẫn ‘mình một chợ’, giá vẫn neo ở mức cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới.
Tại phiên mở cửa sáng nay ngày 10/3 lúc 9g, tại TP.HCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại 55,00 - 55,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Chênh lệch giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng mạnh 160.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 190.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 54,96 - 55,34 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank ở thời điểm hiện tại, mỗi lượng vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 7,5 - 8 triệu đồng/lượng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam không thể mãi một mình một chợ, chênh lệch giá vàng quá lớn ắt có rủi ro cho nhà đầu tư.
“Hiện không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp so với giai đoạn trước.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc đầu cơ vàng trong nước hiện nay là có rủi ro lớn nếu nhà nước can thiệp tốt và mạnh vào giá vàng khiến chênh lệch giá vàng thu hẹp. Việc đầu cơ, găm giữ vàng có thể dẫn tới thua lỗ.
Phân tích về câu chuyện giá vàng, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, vàng không còn là phương tiện thanh toán, một loại được xem như tiền tệ trong nhiều năm trước. Nếu xem vàng là một loại hàng hóa thì cần phải có sự liên thông với quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập như hiện nay. Việt Nam không sản xuất được vàng nhiều, phải nhập chủ yếu từ thế giới. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để tăng cung cho thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước đi xuống.
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, phân tích: Ai cũng biết giá vàng trong nước luôn đi theo giá thế giới, nhưng tùy theo cung - cầu và cả việc cân đối của người bán nên mức độ tăng, giảm nhiều hay ít và ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau.
Trong thực tế đã có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới dù điều này không phải thường xuyên. Nhưng kể từ ngày vía Thần tài đến nay, các công ty vàng trong nước luôn neo giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới cho thấy có khả năng nguồn mua vào trước đó của họ có thể ở mức cao nên người bán vẫn muốn găm giữ giá cao.
Với việc neo giá cao này, rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư là cực lớn. Bởi khi họ vừa mua xong đã lỗ vì chênh lệch giữa giá mua với giá bán cũng được các công ty vàng nới rộng ra. Đồng thời nếu giá vàng trong nước quá cao, đến lúc được điều chỉnh về ngang bằng giá thế giới thì người mua sẽ càng lỗ nặng.
“Hiện nay giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... nên khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục đi xuống là rất cao”, ông Khánh nhận định.
Phân tích nguyên nhân việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng lượng vàng trong dân hiện nay rất lớn, câu chuyện huy động 500 tấn vàng, tương đương 10 tỉ USD, trong dân cũng đã được đưa ra bàn, gần đây nhất là năm 2017. Chỉ cần một lượng vàng này được bán ra trên thị trường, giá sẽ rớt ngay. Tuy nhiên, dù giá vàng cao nhưng đa số người dân có tâm lý bán rồi không mua được giá thấp nên vẫn cố giữ.
“Từ trước tết đến nay, thị trường vàng trong nước đã không thể liên thông giá với thế giới khi nguồn cung trên thị trường không mấy dồi dào. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước “đứng một mình một chợ” dù giá kim loại quý thế giới xuống rất sâu. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng nguyên liệu cũng không mấy nhiều khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, hạn chế đi lại. Điều này thể hiện rõ nét qua chênh lệch giá vàng nữ trang. Trước đây giá vàng nữ trang bám sát giá thế giới nhưng nay cũng cao hơn 3 - 4 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nói.
Nhận định về đà tăng của kim loại quý thời gian tới, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, vàng luôn được xem là tài sản trú ẩn khi lạm phát tăng. Nền kinh tế thế giới cũng sẽ mất một thời gian dài mới có thể hồi phục do tác động của đại dịch Covid-19, kể cả khi đã có vaccine ngừa Covid-19, cũng phải có thời gian mới lan tỏa, phục hồi được.
"Do đó, giá vàng vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ, cho dù trước mắt đang có sự điều chỉnh giảm. Sẽ không khó để lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce trong năm nay, nhưng có thể, mặt hàng kim quý này khó tăng mạnh như năm 2020", ông Huỳnh Trung Khánh khẳng định.