Đồng USD mạnh lên thúc đẩy khối ngoại bán ròng

(DNTO) - Các quỹ ETF tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn rút ròng trong tháng 1/2025, với giá trị rút ròng là hơn 595 tỷ đồng.
Các ETF Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn rút ròng trong tháng 1/2025, với giá trị rút ròng là hơn 595 tỷ đồng. Dòng vốn ETF bị rút ròng trong tháng 1/2025 chủ yếu đến từ việc bị rút ròng của quỹ VanEck Vector Vietnam ETF (bị rút ròng 423 tỷ đồng); quỹ DCVFM VN30 ETF (bị rút ròng hơn 122 tỷ đồng); quỹ Xtrackers FTSEVietnam ETF (bị rút ròng 88 tỷ đồng); và quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (bị rút ròng 58 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng trở lại trong tháng 1/2025 với tổng giá trị bán ròng là hơn 7.130 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ
Ở chiều ngược lại, quỹ Mirae Asset VN30 ETF và quỹ DCVFMVN Diamond ETF, ghi nhận dòng vốn vào ròng tương ứng là hơn 56 tỷ đồng và hơn 54 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng trở lại trong tháng 1/2025 với tổng giá trị bán ròng là hơn 7.130 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng của các ETF chiếm khoảng 8,3% tổng giá trị bán ròng. Trong tháng 1/2025, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6.860 tỷ đồng trên sàn HoSE, 82 tỷ đồng trên sàn HNX và 186 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Những mã được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất trong tháng 1/2025 là các mã: VIC, FPT, STB, CTG và SSI.
Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong tháng 1/2025, bao gồm: HDB, LPB, VGC, KBC và MSN.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng trong bối cảnh chỉ số Dollar-Index và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ duy trì ở mức cao. Các biện pháp thuế gần đây của Tổng thống Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát của mỹ sẽ tăng trở lại trong năm 2025, điều này sẽ hạn chế dư địa cho chính sách nới lỏng tiền tệ và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể phải thận trọng hơn trong lộ trình cắt giảm lãi suất.
"Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025, tuy nhiên mức độ cắt giảm được dự báo sẽ ở mức hạn chế. Chúng tôi cho rằng, chừng nào Fed chưa có dấu hiệu thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, dòng vốn ngoại vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại các thị trường cận biên như Việt Nam", ông Nguyễn Bá Khương, Chuyên viên phân tích của VNDirect nhận định.
Theo báo cáo mới phát hành, chuyên gia SSI Research cho biết, dòng vốn từ các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong năm 2025. Theo đó, dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.
Dù vậy, SSI chỉ ra điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Theo thống kê, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại theo vốn hóa toàn thị trường hiện chỉ còn khoảng 16%.
SSI kỳ vọng, thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, đây là thông tin tích cực tác động tích đến nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025. Bên cạnh đó, các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi..., sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.