Đồng bào về quê tránh dịch: Nếu không cảm thông, cũng đừng phỉ báng
(DNTO) - Hiện có nhiều luồng dư luận trước việc bà con miền Tây lũ lượt kéo nhau về quê tránh dịch trong những ngày qua. Với cùng một sự việc, mỗi người có quyền đánh giá theo góc nhìn, quan điểm của mình, nhưng tranh cãi đến phỉ báng nặng lời, làm tổn thương nhau là điều không nên.
Trong những ngày gần đây, do TP.HCM nới lỏng giãn cách, hàng ngàn người dân tạm cư tại thành phố và các tỉnh thành lân cận đã tự phát kéo nhau trở về quê ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình trạng này, lãnh đạo 13 tỉnh miền Tây Nam bộ đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.
Theo ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: “Một tuần qua, Sóc Trăng tiếp nhận khoảng 30.000 người dân tự phát về quê. Riêng đêm 2/10, có hơn 20.000 người trở về. Nếu như sắp tới người dân trở về ồ ạt như thế này, các khu cách ly không còn sức chứa. Chính vì thế, địa phương kêu gọi người dân không nên trở về trong lúc này”.
Việc người dân ồ ạt trở về địa phương đang tạo áp lực rất lớn cho các tỉnh trong công tác tổ chức cách ly tập trung, xét nghiệm, thu dung điều trị. Đặc biệt là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh, gây bùng dịch là rất lớn. Ngoài các khu cách ly tập trung, thu dung điều trị gần như quá tải thì nguồn nhân lực y tế, tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp cũng là nỗi lo chung của các tỉnh.
Việc trở về cùng lúc, tập trung một số lượng lớn người dân khiến đảo lộn hệ thống phòng, chống dịch của địa phương. Tất cả đều phải kích hoạt lại: Có nơi tạm dừng những hoạt động dự kiến vào hôm nay, 4/10; có nơi lập tức khuyến cáo người dân không ra đường khi chưa cần thiết, không phân biệt “vùng màu”; có nơi như tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định dừng việc cấp giấy đi đường cho người dân và quy định các giấy đi đường đã cấp sẽ hết hiệu lực từ ngày 3/10. Nhiều nơi dừng việc dạy học trực tiếp đối với các nơi thí điểm đã được dự kiến tổ chức vào ngày 4/10. Nhiều nơi khẩn khoản đề nghị các gia đình vận động con em mình không về quê vào thời điểm này.
Người dân địa phương, nhất là những ai không có thân nhân trở về theo cách tự phát trong giai đoạn này, đa phần ít ủng hộ, tỏ ra lo lắng với tâm lý chung sợ bùng dịch.
Tuy nhiên, không ít người thấu hiểu, chia sẻ, thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người dân tạm cư khi đối mặt với cảnh thất nghiệp kéo dài, cạn kiệt tài chính, bơ vơ không người thân thuộc.
Người dùng mạng kể về nhiều hoàn cảnh rất bi thảm. Trong số những người “tháo chạy”, có người chứng kiến cảnh người chết vì dịch bệnh, thậm chí đó là người thân của họ; có người trải qua cơn thập tử nhất sinh, đói ăn, thậm chí bị đuổi ra khỏi nhà trọ… Những ám ảnh kinh hoàng khiến người ta muốn buông tất cả, muốn quay về tìm nơi nương tựa chốn quê nhà, bên cạnh người thân. Cho nên, trước đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê, có ý kiến cho rằng họ bị quê hương "chối bỏ" và đẩy cảm xúc đi quá xa, khiến nhiều người chạnh lòng.
Theo đó, trong mấy ngày qua, cư dân mạng tranh cãi kịch liệt trước hai luồng nhận định, ý kiến đối lập nhau: Một bên chia sẻ, thông cảm với hoàn cảnh khó khăn, buộc người dân phải tự phát về quê; been còn lại mong muốn ai ở đâu ở yên đó để tránh quá tải và bùng phát dịch bệnh cho các tỉnh. Từ việc bất đồng quan điểm, họ tranh cãi, buông lời xúc phạm, chửi rủa nhau.
Đây cũng là một hiện tượng mạng xã hội khá phổ biến hiện nay. Nó cảnh báo tình trạng con người ngày càng thu mình trong cái tôi của mình, xem cái tôi quá lớn mà không biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Mỗi người là một cá thể độc lập với những quan điểm sống khác nhau trong một thế giới đa dạng, phong phú, đầy màu sắc. Bắt người khác giống mình về sở thích, thói quen, tính cách và nhất là quan điểm… là điều bất hợp lý. Bất kỳ một vấn đề nào khi xảy ra, tùy theo tâm thế của cá nhân mà mỗi người sẽ đánh giá theo nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng biết chấp nhận sự khác biệt sẽ giúp ta mở lòng, bao dung, rộng lượng để có cuộc sống chan hòa yêu thương và thông hiểu nhau hơn.
Với việc bà con miền Tây lũ lượt kéo nhau về quê tránh dịch trong những ngày qua, mỗi người có quyền đánh giá theo góc nhìn, quan điểm của mình, nhưng tranh cãi đến phỉ báng nặng lời, làm tổn thương nhau là điều không nên. Lắng nghe ý kiến trái chiều, bạn có thể hiểu thêm về sự việc dưới một góc nhìn mới, nhận ra điều mình chưa từng biết trước đây.