Doanh nghiệp chủ động để thích nghi với Covid-19
(DNTO) - Dù rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19, nhưng tiềm lực và sức chống chịu của các doanh nghiệp (DN) có hạn đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến nhiều DN trong mọi lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng… Trước tình hình này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh bất định như hiện nay, các DN phải nhanh chóng tìm cách ứng phó, cũng như đề ra phương án thích nghi phù hợp để vượt qua đại dịch.
Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy, dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm ngoái đến nay đã gây ra tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Có đến 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng DN, song đến nay, nhiều DN vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP NetNam cho biết, hơn 1 năm qua, dịch Covid 19 cứ “dịu” một thời gian lại bùng phát trở lại, khiến DN như “ngồi trên đống lửa”. “Covid 19 đã làm thay đổi rất nhiều, tác động rất xấu tới nhiều ngành kinh tế. Kinh doanh dịch vụ Internet viễn thông và công nghệ thông tin của NetNam cũng không phải là ngoại lệ khi bị ảnh hưởng rất nhiều trước các đợt bùng phát của Covid-19 tại Việt Nam trong hơn 1 năm vừa qua. Đặc biệt là ảnh hưởng từ phía khách hàng khi phạm vi sản xuất bị thu hẹp, cũng như cắt giảm các chi phí liên quan tới viễn thông, Internet”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn, làn sóng Covid -19 lần thứ 4 cũng buộc các DN phải chủ động hơn trong việc ứng phó, vì thế hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều. Bà Lê Hà Minh, Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam cho rằng, so với những đợt dịch trước, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này DN đã không còn bất ngờ, bị động mà bình tĩnh, chủ động hơn rất nhiều. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gần như vẫn diễn ra bình thường, ngoài thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước doanh nghiệp vẫn tìm kiếm thêm các thị trường nước ngoài để xuất khẩu.
“Ở đợt dịch thứ 3, thứ 4 này, Chính phủ đã có những chính sách và chuẩn bị hợp lý và phía DN cũng đã tạo được khả năng chịu đựng và có những thay đổi. DN đã có những chính sách để chuẩn bị cho mình trong những tháng tiếp theo, trong đó có việc đa dạng hóa thị trường nước ngoài”, bà Minh cho hay.
Là DN luôn đặt ra các kịch bản ứng biến linh hoạt theo từng chu kỳ, phân kỳ của kế hoạch với tầm nhìn về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nên Tổng Công ty May 10 không sa thải một công nhân nào, đảm bảo việc làm đầy đủ và thu nhập cho người lao động.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng chia sẻ, khả năng sáng tạo và khả năng ứng biến sẽ quyết định sự tồn tại của DN. May 10 ban đầu là nhất định không làm khẩu trang, đồ bộ bảo hộ y tế vì giá trị chỉ bằng 1/30 - 1/50 sản phẩm sản phẩm sơ mi, veston.
“Đến hiện tại DN đang có những đúc kết, làm những sản phẩm mới có rủi ro hay không và có lãng phí so với sản phẩm cũ hay không? Kết luận lại là khi DN táo bạo, nâng cao khả năng ứng biến để làm các sản phẩm mới, sản phẩm đó không những đem lại doanh thu mà còn đem lại tỷ lệ lợi nhuận cho DN”, ông Việt nói.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, ảnh hưởng từ dịch Covid 19 sẽ không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Dù rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19, nhưng tiềm lực và sức chống chịu của các DN có hạn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nhà nước nên tác động vào hỗ trợ, duy trì để DN phát triển. Theo đó cần chú trọng vào một số ngành, hoặc một số loại hình DN, hoặc một số loại DN.
“Quan điểm chung là cần “cứu” những DN khỏe và đang bị thiệt hại nhiều. Một mặt là phù hợp hơn với nguồn lực của Nhà nước, măt khác vẫn là câu chuyện tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tìm cách giảm được chi phí cho DN, thông qua câu chuyện giá thuê đất, lãi suất tín dụng, giảm các loại phí cho DN…”, ông Thắng đưa giải pháp.
Để hoàn thành mục tiêu kép tăng trưởng và phát triển kinh tế cùng với phòng, chống dịch Covid 19; các biện pháp hỗ trợ DN không chỉ phải “đúng và trúng” mà cần nhanh chóng và thiết thực. Cộng đồng DN cũng chủ động đưa ra các kịch bản ứng phó, cũng như khả năng tư duy chuyển đổi linh hoạt hơn đối với chiến lược phát triển. Đó là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.