Dịch Covid-19, tiền tác quyền âm nhạc thu được từ nước ngoài tăng vọt
(DNTO) - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã công bố con số thu được tiền tác quyền âm nhạc trong năm 2020 có sự tăng trưởng mạnh, hơn 150 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2019, trong đó số tiền bản quyền thu được từ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam từ nước ngoài tăng tới 82%.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn ,Tổng giám đốc VCPMC, dù tình hình dịch bịnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động biểu diễn, thực hiện sản phẩm âm nhạc..., nhưng Trung tâm đã thay đổi kế hoạch tập trung vào việc khai thác và bảo vệ quyền tác giả trên môi trường internet, áp dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm quốc tế vào mọi hoạt động nên mức thu đã có sự tăng trưởng ngoài kỳ vọng.
Theo đó, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đạt hơn 150 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 47,5 tỉ và tại chi nhánh phía Nam là hơn 102,4 tỉ.
Đặc biệt, năm 2020 nguồn tiền bản quyền tác giả của tác phẩm thu được từ nước ngoài tăng vọt so với những năm trước, tăng 82%, từ 2 tỉ đồng/năm 2019 lên 3,6 tỉ đồng/năm 2020. Trong đó, thị trường các nước: Nhật Bản, Singapore, Đức, Mỹ, Úc, Pháp... là những đối tác phát triển mạnh. Đây cũng chính là cầu nối giúp quảng bá các tác phẩm Việt mà còn giúp bảo vệ kho tác phẩm Việt Nam trong môi trường quốc tế.
Ông Đinh Trung Cẩn khẳng định, do tác động của việc giãn cách xã hội vì dịch bệnh, hoạt động âm nhạc trong năm 2020 diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng, vì vậy việc hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số như MV, Audio ca nhạc..., cảnh báo gỡ các link vi phạm là rất lớn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới, bao gồm các tổ chức mới ký trong năm 2020 như SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban Nha).
Đây cũng chính là những yếu tố quyết định cho việc bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp của các tác giả trong điều kiện môi trường mạng phát triển nhanh, mà các tác giả không theo kịp.
Đại diện pháp lý Trung tâm cũng chỉ ra nhiều kẻ hỡ thông tin mà các tác giả do chưa có ý thức hoặc thiếu hiểu biết đã ký những hợp đồng cho phép các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng sử dụng miễn phí trong nhiều năm mà không thông qua sự tư vấn của các luật sư. Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến kinh doanh kiếm lợi nhuận được lợi, trong khi các tác giả sẽ chịu thiệt hại lớn về tài sản.
Dịp này, Trung tâm cũng khuyến cáo các tác giả nên nhận sự tư vấn miễn phí từ các luật sư của trung tâm, trước khi ký hợp đồng tặng, bán.. đối với các đơn vị bên ngoài.
Trong năm 2021, VCPMC tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động, giúp các thành viên có thể đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm trong các môi trường khác nhau, cung cấp thông tin đến các tác giả thành viên nhanh chóng nhất.
Hiện tại, trung tâm cũng đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107,4 tỉ đồng.Dự kiến trong tháng 1-2021 (trước Tết Nguyên đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền 36 tỉ đồng.