Dịch bệnh diễn biến phức tạp, mua sắm online tăng nhiều lần
(DNTO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lệnh giãn cách xã hội tại TP.HCM được triển khai, thay vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, chợ, siêu thị, không ít người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online. Theo đó, đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử, kênh mua sắm online của hệ thống siêu thị tăng mạnh.
Sàn thương mại tăng trưởng trên 30%
Theo đại diện của Sàn Thương mại điện tử Tiki, chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Tiki ghi nhận mức tăng trưởng trên toàn sàn lên đến 30%.
Xu hướng tìm kiếm (search trend) của người tiêu dùng trên Tiki cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng, sản phẩm phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân, gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cụ thể là những ngành hàng như: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, hàng tươi sống TikiNGON, nhà cửa đời sống, mẹ - bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện (laptop, máy tính, USB…).
Trên Lazada những ngày qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng gấp 3 lần. Đáng chú ý, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh thậm chí tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện sàn này cho biết, mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng tay hay các vật dụng bảo hộ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Shopee Việt Nam cho biết, nhiều người đã chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, khiến tất cả danh mục ngành hàng đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, nhu cầu tăng mạnh những ngày qua là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sắc đẹp, đồ điện tử và gia dụng.
Mặc dù sức mua tăng, nhưng theo đại diện các sàn thương mại điện tử, lượng hàng hóa chuẩn bị dồi dào, phong phú và nguồn hàng hóa sẽ liên tục mở rộng, tăng cường.
Cụ thể, Sàn Tiki đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác bán hàng và thương hiệu, đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt ở những ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống TikiNGON, cũng như công nghệ với những mặt hàng hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà trong thời gian giãn cách… Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt sản phẩm nước rửa tay tăng gấp 25 lần.
Tất cả các sản phẩm trên Sàn Tiki đều cam kết bình ổn giá bán, giúp người tiêu dùng mua sắm sản phẩm chất lượng với nguồn cung dồi dào mà vẫn đảm bảo tiết kiệm với chi phí hợp lý.
Phía Shopee cũng lập ra bộ sưu tập các mặt hàng như thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nhu yếu phẩm cần thiết với giá tốt kèm miễn phí vận chuyển để khách hàng lựa chọn thuận tiện, nhanh chóng nhất.
Sàn Thương mại điện tử Lazada thậm chí còn triển khai lễ hội mua sắm 6.6 “ở nhà, săn hàng sale”. Theo đó, từ ngày 6/6 đến hết ngày 10/6, khi mua sắm các sản phẩm trên Lazada, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giảm giá lên đến hơn 50%, thu thập hàng triệu mã giảm giá tích lũy với tổng giá trị ưu đãi lên đến 39 tỷ đồng; miễn phí giao hàng toàn quốc cho đơn từ 0 đồng, hàng triệu sản phẩm đồng giá 6 đồng, 6.000 đồng, 66.000 đồng cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác...
Song song đó, Tiki và Lazada đều tuân thủ các quy định về an toàn phòng dịch như đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình nhận hàng từ kho đến khi giao hàng cho người tiêu dùng; rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn 2 mét trong suốt quá trình giao nhận hàng hóa…; triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt…
Hệ thống siêu thị: Liên tục châm hàng
Những ngày qua, các kênh mua sắm online của hệ thống siêu thị cũng ghi nhận mức tăng mạnh.
Tại hệ thống siêu thị AEON, trong 1 tuần (từ ngày 24 đến 30/5), số đơn hàng qua các kênh mua sắm như đi chợ hộ, mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử AEONEshop, mua hàng qua ứng dụng AEON App/ Grabmart/ Now tăng mạnh, chủ yếu tại khu vực phía Nam.
Đặc biệt, trong ngày 30/5, chỉ riêng ứng dụng Grabmart, lượng đơn hàng tăng đột biến, gần gấp đôi so với các ngày trước đó. Nếu so với tháng 4, tính chung trong tháng 5, tổng số đơn hàng online tăng gấp 4-5 lần; giá trị trung bình từng giỏ hàng cũng tăng mạnh. Riêng đối với đơn hàng qua Grabmart ghi nhận số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp 3.
Với các đơn hàng Grabmart, Now, các điểm bán hàng của AEON đều bố trí khu vực cho shipper thực hiện giãn cách trong thời gian chờ nhận hàng đem giao.
Trong đó, sức mua tăng mạnh đối với các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm hàng ngày, thực phẩm/sản phẩm bảo vệ sức khỏe, đồ dùng vệ sinh. Tăng nhẹ đối với một số nhóm sản phẩm: xe đạp, dụng cụ thể thao tại nhà, đồ mặc nhà, đồ chơi trẻ em.
Hệ thống siêu thị Satramart, Satrafoods, Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng tăng cường nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và tới nay đều ghi nhận mức tăng đáng kể.
Hệ thống Vinmart, Vinmart+ thống kê sơ bộ lượng khách đặt hàng online tại khu vực TP.HCM đã tăng gấp đôi so với ngày thường.
Nhóm hàng hóa nhu yếu phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống thu hút đông khách hàng mua sắm nhất. Tỷ lệ giỏ hàng trong một lần mua sắm cao hơn do khách hàng chuẩn bị thực phẩm cho gia đình trong những ngày hạn chế đi lại. Đặc biệt thịt sạch MEATDeli và gà tươi 3F thu hút lượng mua “khủng”, nhân viên siêu thị phải liên tục đưa hàng lên quầy kệ mới đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Đơn vị này đưa ra nhiều kênh mua sắm từ ứng dụng trên điện thoại như VinID, gọi điện trực tiếp tới số điện thoại của siêu thị gần nhất và trên nền tảng website vinmart.com, Sàn thương mại điện tử Lazada.vn.
Việc tạo đa kênh mua sắm này giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức lựa chọn sản phẩm, có thêm thời gian nghỉ ngơi khi sử dụng điện thoại/máy tính đặt hàng và nhận hàng giao tận nhà sau 4 tiếng; hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; hạn chế sử dụng tiền mặt khi thanh toán như khi mua trực tiếp tại điểm bán.