Di sản Shinzo Abe với 2.799 ngày tại vị Thủ tướng Nhật Bản
(DNTO) - Shinzo Abe là vị thủ tướng tại chức lâu nhất của Nhật Bản (2.799 ngày). Chính sách "Abenomics" do ông đưa ra đã giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ; tăng cường quân đội Nhật Bản và tìm cách chống lại sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong suốt hai nhiệm kỳ lịch sử.
Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản) đưa tin, cựu Thủ tướng Shinzo Abe (67 tuổi) đã qua đời sau khi bị bắn lúc đang phát biểu tranh cử hôm thứ Sáu (8/7).
Shinzo Abe là vị thủ tướng tại chức lâu nhất của Nhật Bản (2.799 ngày). Chính sách "Abenomics" do ông đưa ra đã giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ; tăng cường quân đội Nhật Bản và tìm cách chống lại sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong suốt hai nhiệm kỳ lịch sử.
Từ chiến lược “Abenomics” trong nước...
Ông Abe trở thành vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản tính đến tháng 11/2019, nhưng sự ủng hộ đối với ông bị suy giảm do xử lý các vụ bùng phát Covid-19 cũng như một loạt bê bối bao gồm cả vụ bắt giữ cựu bộ trưởng tư pháp.
Năm năm sau khi từ chức thủ tướng lần 1 (năm 2007), năm 2012, ông Shinzo Abe trở lại chính trường và công bố một chính sách cải cách kinh tế tích cực nhằm kéo đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài suốt hai thập kỷ. Chính sách này được gọi là Abenomics, dự kiến một chiến lược ba mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng trong nước. "Ba mũi tên" của chính sách này là: kích thích tài khóa trị giá hàng trăm tỷ đô la, nới lỏng tiền tệ phi chính thống và cải cách cơ cấu để thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Chính sách này nhằm đánh bại tình trạng giảm phát dai dẳng và phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa, cùng với cải cách cơ cấu để đối phó với tình trạng dân số đang ngày càng già đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, tình trạng giảm phát trở nên khó khăn và chiến lược tăng trưởng đó đã bị ảnh hưởng vào năm 2019 do việc tăng thuế bán hàng và chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Sự bùng phát Covid-19 vào năm sau đó đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản.
Ông Abe tăng cường chi tiêu quốc phòng và tiếp cận với các nước châu Á khác để chống lại Trung Quốc. Ông thúc đẩy việc thông qua luật cho phép Nhật Bản thực hiện quyền "tự vệ tập thể", hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh đang bị tấn công. Ông lập luận rằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cần phải được nâng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội.
Sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình vẫn là ưu tiên hàng đầu của Abe. Chương trình nghị sự cơ bản là thoát khỏi cái mà ông gọi là chế độ hậu chiến, một di sản chiếm đóng của Hoa Kỳ mà những người bảo thủ cho rằng đã tước đi niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản. Cải cách hệ thống giáo dục để khôi phục lại truyền thống là một trong những mục tiêu khác của ông.
Các chuyên gia ca ngợi ông Abe đã ghi được các thỏa thuận thương mại tự do quốc tế, bao gồm cả một thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Ông đã cứu vãn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương khác, ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump rời khỏi thỏa thuận. Thủ tướng Nhật Bản sau đó đã ký một thỏa thuận thương mại song phương với Trump.
Thất bại lớn nhất của chính quyền ông Abe là không thể mở ra những cải cách cơ cấu cần thiết, "mũi tên" thứ ba quan trọng của Abenomics nhằm thúc đẩy năng suất và đối phó với tình trạng dân số già và thu hẹp của Nhật Bản.
Ông Abe đã cố gắng cải cách thị trường lao động cứng nhắc nhưng họ thừa nhận rằng các chính sách đó vẫn chưa thể mở ra một "cuộc cách mạng về năng suất". Các cải cách chưa đủ mạnh để thay đổi các thông lệ thị trường lao động đã được thiết lập như hệ thống việc làm suốt đời.
Đất nước này tiếp tục thiếu hụt lao động do dân số Nhật Bản trong độ tuổi lao động giảm trong thập kỷ qua. Abe đã cam kết chi hàng tỷ đô la để tăng tỷ lệ sinh và khuyến khích người Nhật sinh con. Ông cũng tạo ra bộ phận chuyên trách để giúp ngăn chặn sự suy giảm dân số Nhật Bản.
...đến “bộ tứ kim cương” QUAD và mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam
Trong thời kỳ nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã khởi xướng thành lập nhóm "bộ tứ kim cương" QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ, cam kết hợp tác để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do.
Ông Shinzo Abe là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên nhận ra tầm quan trọng trong vị thế của Ấn Độ như một cường quốc dân chủ lớn ở châu Á. Dưới hai nhiệm kỳ, quan hệ New Delhi và Tokyo đã được cải thiện rõ rệt và mang tầm chiến lược.
Ông Abe coi Trung Quốc là một mối đe dọa, ông nhận ra rằng thế giới đã thay đổi và Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trên vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cũng chính ông Abe là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về vòng cung dân chủ, trải dài từ Mỹ đến Nhật Bản, tiếp tục đến Úc và Ấn Độ, để kiềm chế sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Đây là nguồn gốc của cuộc đối thoại tứ giác diễn ra ngày nay. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối khi cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Manila vào năm 2007. Thủ tướng Úc John Howard đã tham gia cùng với các thành viên khác trong cuộc họp khai mạc của Tứ giác, một tháng sau khi các cuộc tập trận hải quân chung gần Tokyo của Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ được công bố.
Năm 2017, Thủ tướng Abe đã có chuyến thăm Việt nam và cùng người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đi dạo quanh Hội An - trung tâm thương mại trước đây của các thương gia Nhật Bản và là quê hương của cộng đồng thương nhân Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16.
Thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại Châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản, ông Abe đã đặc biệt nỗ lực để thể chế hóa hợp tác song phương. Trong thời gian đầu làm thủ tướng (2006-2007), ông Abe đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược Nhật Bản - Việt Nam.
Khi Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, Hà Nội được chọn là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á 2013 của ông.
Một năm sau chuyến thăm, do ông Abe thúc đẩy tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch nước Việt Nam lúc bấy giờ là ông Trương Tấn Sang đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.
Hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang được nâng cao hơn nữa
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và rộng mở (FOIP) đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao dưới chính quyền Donald Trump, của ông Abe. Điều này có ba khía cạnh: thúc đẩy pháp quyền và tự do hàng hải, đóng góp vào hòa bình và an ninh thông qua nâng cao năng lực và thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, kết nối thông qua cơ sở hạ tầng.
Trong thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản nhiệt tình ủng hộ chính sách ngoại giao chủ động của Hà Nội trong các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Nhật Bản và Việt Nam 'được kết nối bởi đại dương tự do' và cả hai hợp tác trong việc hỗ trợ trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán, Nhật Bản đã tán thành lập trường của Việt Nam về quản lý tranh chấp ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Từ năm 2014 đến 2018, Nhật Bản đã cấp khoảng 280 triệu USD vốn ODA để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, thực hành quản trị và môi trường tại Việt Nam.
Là những người ủng hộ tăng cường kết nối kinh tế khu vực, Hà Nội và Tokyo đã phối hợp chặt chẽ với nhau về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Trong chuyến công du lần thứ ba tới Việt Nam, Thủ tướng Abe đã đến thăm Trường Đại học Việt - Nhật, nơi ông nhận xét trường là cầu nối giữa hai nước.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Abe đã nói về sự ngưỡng mộ của người dân Nhật Bản đối với những người Việt Nam cần cù, ấm áp, những người có duyên với ngôn ngữ và văn hóa của đất nước ông.
Sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe có thể gây ra một số gián đoạn trong khu vực nhưng khó có thể khiến chệch hướng mối quan hệ Việt – Nhật. Ông để lại tình cảm sâu đậm trong tâm trí lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và quốc tế.