Đến Bạc Liêu thăm nhà Hắc công tử
(DNTO) - Đến thăm quê hương của bản Dạ cổ hoài lang - Bạc Liêu, khách du lịch không thể bỏ qua điểm đến nổi tiếng của vùng đất này, một thời được truyền tụng với nhiều giai thoại về vị công tử giàu có, ăn chơi nức tiếng đất Lục tỉnh - dinh thự nhà công tử Bạc Liêu.
Những ngày cuối tháng 8, phố phường thành phố Bạc Liêu tràn ngập sắc màu chuẩn bị cho Tết Trung Thu đoàn viên đang đến gần. Có thể nhận thấy, vùng đất Phương Nam "dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu" này đang đón khá nhiều đoàn khách tham quan từ các nơi tìm đến.
Bên cạnh nhiều điểm đến hấp dẫn, khách du lịch lưu trú ngắn ngày thường dành thời gian đến thăm ngôi nhà Công tử Bạc Liêu, để tận mắt chứng kiến những kiến trúc bề thế của ngôi nhà lớn nhất Lục tỉnh miền Tây ngày xưa, đồng thời nghe kể những giai thoại về vị công tử hào hoa vang danh trong nhiều câu thơ ca lưu hành đến hôm nay.
Với vị trí tọa lạc đắc địa tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, mặt tiền quay ra hướng bờ sông Bạc Liêu, nơi thu gọn đời sống người dân miền sông nước, ngôi nhà thu hút ánh nhìn ngay từ cổng vào. Được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 mới hoàn thành, ngôi nhà sở hữu kiến trúc bề thế nhất thời điểm lúc đó nên được người dân nơi đây gọi với cái tên “Nhà lớn”.
Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách không khỏi trầm trồ bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt.
Theo lời của hướng dẫn viên, ngôi nhà do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha của công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000ha đất trồng lúa, gần 100.000ha ruộng muối, là một trong tứ đại điền chủ giàu có nhất thời bấy giờ.
Ngôi biệt thự được xây hai tầng do kỹ sư người Pháp thiết kế, hầu hết vật liệu xây dựng được mang từ Paris về. Nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp, các chi tiết xây dựng đều có đóng dấu chìm mẫu tự P thể hiện xuất xứ.
Ấn tượng mạnh mẽ của du khách khi tham quan ngôi nhà chính là cách bố trí hài hoà các phòng khách, phòng ngủ, cầu thang dẫn lên lầu đều được tính toán kỹ để tận dụng được ánh sáng tự nhiên, không khí thoáng đãng tràn ngập tất cả các khu vực sử dụng.
Đặc biệt, các đồ vật quý của ngôi nhà như chiếc xe hơi được ông Trần Trinh Trạch mua năm 1930 tại Sài Gòn để đón con trai là công tử Bạc Liêu đi du học Pháp trở về; hai bộ giường ngủ của công tử Bạc Liêu được chia theo hai mùa mưa nắng của miền Nam bằng chất liệu gỗ quý để bảo đảm các tính năng làm ấm, chống nóng cho gia chủ.
Bên cạnh đó, các hiện vật như bộ trường kỷ được làm từ 1 tấm gỗ nguyên, bộ bàn xoay “Tam lân” (bàn tròn mặt bằng đá, chân quỳ tam giác có chạm 3 con lân), bộ “Tượng bành” (có hình chiếc bành đặt trên lưng voi), sạp “Tam thành” (3 vách) là nơi ngủ của Trần Trinh Khương, em trai của công tử Bạc Liêu), giường ngủ của ông bà Hội đồng Trạch, giường cho khách hút thuốc phiện, bàn đánh bài, bình hoa… đều là những vật dụng rất có giá trị.
Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng ngôi nhà, hiện vật, khách tham quan cũng được nghe lại nhiều giai thoại, đồng thời cũng hiểu rõ lý do vì sao vị công tử thứ ba được cưng chiều nhất nhà, được tạo điều kiện đi du học tại Pháp, nổi tiếng về thú ăn chơi, phóng túng, tiêu đến 5 tấn vàng trong suốt cuộc đời, cùng vô số câu chuyện về các bóng hồng, đốt tiền tìm hoa tai cho người đẹp, là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng... khiến nhiều người cho đến nay vẫn hiếu kỳ.
Giờ đây, dù ngôi nhà, hiện vật vẫn còn khá nguyên vẹn, nhưng các giai thoại về gia đình, về vị Hắc công tử Bạc Liêu ngày nào giờ đã đi vào dĩ vãng. Bên góc bàn phòng bếp, người con dâu duy nhất tại Việt Nam - vợ của ông Trần Trinh Đức - con trai công tử Bạc Liêu ngồi giao lưu và bán tập sách viết về ông cho khách tham quan có nhu cầu.
Ngôi nhà của công tử Bạc Liêu ngày nay hàng ngày mở cửa đón khách tham quan với giá 30 ngàn đồng/người, trở thành nơi được khách du lịch yêu thích tìm đến đầu tiên khi đến thăm vùng đất Phương Nam nổi tiếng này.