Đế chế Softbank của tỷ phú Masayoshi Son lại lung lay sau khoản lỗ kỷ lục
(DNTO) - Báo cáo tài chính mới nhất, với những khoản lỗ kỷ lục của SoftBank và quỹ Vision Fund, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình kinh doanh của tập đoàn này.
Trước thềm năm mới 2020, vị tỷ phú 64 tuổi Masayoshi Son đã hứa với các nhà đầu tư về một viễn cảnh tươi đẹp, mà quỹ đầu tư tài chính Vision Fund có thể đem về lợi nhuận khủng. Thế nhưng, đến quý III/2021, tất cả những gì mà họ nhìn thấy, chỉ là các khoản lỗ kỷ lục, cùng hiệu quả đầu tư yếu kém mà SoftBank đã chi quá nhiều tiền vào.
Bản báo cáo “lỗ kỷ lục”
Trước khi bản báo cáo kết quả kinh doanh quý III của SoftBank Group được công bố, đã có nhiều lo ngại được đưa ra trước tình hình kinh doanh kém khả quan của nhiều doanh nghiệp được quỹ Vision Fund tài trợ. Một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Vision Fund là vào công ty cho thuê phòng Oyo, có trụ sở đặt tại Ấn Độ và hoạt động trên 15 thị trường.
Tuy nhiên, trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu, doanh thu của Oyo vẫn tiếp tục lao dốc, dẫn đến kết quả là kế hoạch IPO trong năm nay bị ngưng trệ. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư vào tầm nhìn của tỷ phú Son.
Trong quý III, quỹ đầu tư của tỷ phú Masayoshi Son báo lỗ 825,1 tỷ yên (7,3 tỷ USD). Đây là khoản lỗ kỷ lục của tập đoàn từ trước đến nay, vượt quá khoản lỗ 788,6 tỷ yên mà SoftBank đã ghi nhận trong năm 2020 vừa qua.
Đây được xem là giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ khi quỹ đầu tư này được thành lập vào năm 2017. Nhưng đó không phải là một điều ngẫu nhiên, vì trước đây giới chuyên gia từng chỉ trích những quyết định đầu tư tham vọng của tỷ phú Son là “quá tham vọng, đầy rủi ro”.
Sự suy thoái được báo trước
Những dự báo từ giới chuyên gia về một tương lai không mấy sáng sủa này bắt đầu vào năm 2019, khi Vision Fung công bố Uber Technology và tương lai của Uber. Màn ra mắt đáng thất vọng đó đã khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi về tương lai dành cho công nghệ di chuyển Uber, và liệu rằng nó có thể bắt kịp với công nghệ hiện tại. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của WeWork, một trong những màn đầu tư “đáng quên” của tỷ phú Son cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vung tiền thiếu kiểm soát.
Thế nhưng, sau giai đoạn khó khăn của năm 2019, đại dịch Covid-19 lại mang đến một sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Điều này giúp đẩy nhanh lợi nhuận của Vision Fund lên kỷ lục mới trong ba quý liên tiếp trong năm 2020-2021.
Sự thành công này có được là nhờ vào sự phát triển vượt bậc của một loạt ứng dụng hỗ trợ trong đại dịch. Điển hình như nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, công ty giao hàng DoorDash của Mỹ, nền tảng bất động sản trực tuyến KE Holdings của Trung Quốc. Thế nhưng, sự thành công này cũng không thể kéo dài được lâu.
Thị trường Trung Quốc một lần nữa dậy sóng trước một cuộc “trấn áp” trong lĩnh vực công nghệ của giới chóp bu, hàng loạt các doanh nghiệp, trong đó có cả Alibaba và Tencent đã chững lại, sụt giảm rất nhiều so với trước. Tình hình này đẩy quỹ Vision Fund một lần nữa đứng trên bờ vực sụp đổ.
"Trên thực tế, kết quả hoạt động của Vision Fund trong năm 2021 rất ảm đạm, gần như mọi doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của quỹ đều thua lỗ kể từ khi niêm yết", Kirk Boodry, nhà phân tích tại Redex Research (Tokyo), cho biết.
Sự chững lại của thị trường Trung Quốc
Sự chững lại của thị trường Trung Quốc đã bắt đầu từ đầu năm nay. Danh mục đầu tư của SoftBank đối với các công ty khởi nghiệp được báo cáo là chịu nhiều “ảnh hưởng nặng nề”, sau khi các cơ quan nhà nước tung ra chiến dịch trấn áp ngành công nghệ trên quy mô lớn.
Một loạt cái tên như Didi, Full Truck Alliance phải gánh những khoản lỗ kỷ lục mới. Didi cho biết mình đã lỗ 6,1 tỷ USD trong quý vừa qua, với mức lợi nhuận giảm sâu, chiếm hơn 10% trong cơ cấu lỗ của Vision Fund.
KE Holdings, công ty điều hành dịch vụ bất động sản trực tuyến Beike, cũng mất 2,2 tỷ USD giá trị. Công ty khởi nghiệp ít được biết đến của Trung Quốc đã mang về cho SoftBank khoản lợi nhuận chưa thực hiện tới 5,1 tỷ USD khi công ty này niêm yết vào tháng 8/2020. Mặc dù công ty này không bị các cơ quan quản lý nhắm mục tiêu trực tiếp, cổ phiếu vẫn giảm hơn 70% so với mức đỉnh và đang giao dịch dưới mức giá IPO.
"Sự không chắc chắn về tương lai của công nghệ Trung Quốc có thể tiếp diễn trong một thời gian nữa", Boodry nhận xét.
Hướng sự chú ý sang thị trường tiềm năng mới
Trước những khoản lỗ kỷ lục này, cũng không làm chậm lại kế hoạch đầy tham vọng của tỷ phú Masayoshi Son trong tương lai. Được biết, ông đang hướng tới thị trường màu mỡ nhưng đầy cạnh tranh là nền tảng game NFT (non-fungible tokens). Bước đi đầu tiên của SoftBank trong quá trình khai phá thị trường này, chính là việc đổ vào 93 triệu đô để sở hữu Sandbox, một công ty phát triển game theo công nghệ NFT. Và để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ, Son phải cắt giảm nhiều hoạt động phát triển khác.
Cuối năm nay, SoftBank thông báo sẽ thu hẹp đáng kể chương trình giao dịch cổ phiếu và thanh lý toàn bộ cổ phần tại Amazon.com, Taiwan Semiconductor Manufacturing và PayPal Holdings. Hiện nay, tập đoàn này đang nắm giữ tổng cộng 5 tỷ USD "cổ phiếu niêm yết có tính thanh khoản cao", giảm từ mức 13,6 tỷ USD vào cuối quý trước.
"Trong vài quý tới, chúng tôi không có nhiều kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của Vision Fund", Boodry nói. "Đó là một thành tích cực kỳ tệ. Và với điều này, sẽ khiến bạn tự hỏi liệu toàn bộ chu kỳ đầu tư của Vision Fund có thật sự hiệu quả hay không".