Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Chúng tôi may mắn khi hoàn thành phim 'Cơn giông'
(DNTO) - Hoàn tất khâu ghi hình bộ phim điện ảnh "Cơn giông", được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của cố nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết, với anh, vượt qua tình hình khó khăn dịch bệnh hiện tại, đó là một điều may mắn lớn.
“Duyên nợ” với miền Tây
Đạo diễn Trần Ngọc Phong nói vui, anh là người gốc Huế, nhưng rất có duyên nợ với miền Tây từ cuộc sống bạn bè cho đến các tác phẩm điện ảnh mà anh từng thực hiện. Từ "Những nẻo đường phù sa", trước đây càng về sau anh có rất nhiều phim về đề tài đời sống, con người miền Tây: "Duyên nợ miền Tây", "Sông phố nhà ghe", "Bình minh châu thổ"…, và "Cơn giông" cũng đến với anh với cái duyên ngấm vào cuộc đời như một định mệnh.
Là người em khá thân thiết với tác giả cũng như gia đình cố nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn Trần Ngọc Phong đã nói với nhà văn Lê Văn Thảo lúc sinh thời, và có dịp xin phép ông đưa tác phẩm lên phim rồi được nhà văn đồng ý. Đến khi tác phẩm được nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang chuyển thể, sau nhiều lần điều chỉnh được Cục Điện ảnh duyệt tài trợ kinh phí thực hiện, đạo diễn Trần Ngọc Phong đã được ban giám đốc Hãng Phim Giải Phóng chọn mặt gửi vàng, thực hiện tác phẩm đặt hàng của nhà nước trong năm 2020.
“Đây cũng là câu chuyện về những con người và vùng đất miền Tây với nhiều cung bậc cảm xúc. Chuyện phim xoay quanh nhân vật tên Bằng, là người gốc Cà Mau, xuất thân là một đứa trẻ mồ côi được nhặt sau một cơn giông. Sau nhiều năm lưu lạc, anh trở về quê hương với quyết tâm tìm ra gốc gác của mình. Và cũng chính từ quê hương sông nước phù sa, tiếp xúc với những con người quê chân chất, hào sảng đã khiến anh thay đổi thành một con người khác. Bằng, cuối cùng cũng đã tìm thấy được cha ruột của mình, tình yêu cũng đến với anh như một câu chuyện đẹp có hậu, giàu tính nhân văn”, đạo diễn cho biết.
Cũng theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, là tác phẩm chuyển thể từ văn học với các nhân vật chính bước ra từ trang sách nên anh và biên kịch giữ nguyên tính cách số phận, song với cấu trúc và yêu cầu của tác phẩm điện ảnh, đạo diễn đã có “bồi đắp” thêm một số chi tiết để câu chuyện được liền mạch, súc tích hơn.
“Có thể nói, làm phim về đề tài miền Tây với tôi đúng là như “cá gặp nước”, nên đây là tác phẩm chúng tôi dành nhiều tâm huyết. Đúng ra phim được quay tại Cà Mau, nhưng khi khảo sát bối cảnh, việc tìm ra những rừng đước mênh mông như miêu tả đã không thể đáp ứng. Những cảnh vật đậm chất nguyên sơ ngày xưa đã thay bằng việc bê tông hoá, phân lô nuôi tôm, hải sản… muốn tìm bối cảnh đoàn phải đi đò máy cả 5-6 tiếng nên quá nhiêu khê.
Thật may, khi quay về Cần Giờ tìm được Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được bảo tồn, chúng tôi mừng rơn khi nhận thấy đúng nơi xảy ra câu chuyện của "Cơn giông". Đoàn phim đã dựng cảnh, tập trung tại đây hơn tháng trời để hoàn thành những cảnh quay theo đúng tiến độ”. đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ
Phim đặt hàng - đạo diễn “liệu cơm gắp mắm”
Theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, dự kiến tìm một gương mặt phòng vé để tham gia trong ê kíp diễn viên, nhưng với kinh phí hạn chế, anh chủ trương tìm các nhân vật hợp vai, có khả năng diễn chuyên nghiệp. Vì vậy, sau những cảnh quay, dàn diễn viên được chọn như: Trung Dũng, Thủy Phạm, Quách Tĩnh, Thạch Kim Long, Bé Cát Vi, Lê Huỳnh, Tấn Hoàng… đã hoá thân vào các vai diễn với niềm đam mê, trách nhiệm, khiến anh rất hài lòng.
“Xem lại những phân cảnh, tôi càng xúc động với những thước phim nhiều cảm xúc mà các diễn viên cùng ê kíp đã vất vả với nhau trong những khu rừng sình lầy, bước chân xuống là ngập sâu đến thắt lưng, khiến không ít lần chúng tôi bị mắc kẹt phải chờ giải cứu. Diễn viên vào vai, nhất là Trung Dũng lăn xả hết mình trong phân cảnh trồng rừng để kịp con nước, ê kíp thực hiện, đạo diễn cũng không khác gì hơn. Hàng chục con người đã miệt mài từ sáng sớm đến đêm khuya, nhưng đổi lại chúng tôi đã có những nhân vật sống động, với câu chuyện chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Thật là vô cùng may mắn”, đạo diễn nói.
Là phim do nhà nước đặt hàng, Trần Ngọc Phong khẳng định, anh “liệu cơm gắp mắm” để có một tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất, dù không thể so sánh với các phim thị trường ra rạp với nguồn kinh phí xông xênh cho những cảnh quay hoành tráng, bối cảnh ngốn tiền tỷ hay kinh phí PR khủng cho từng công đoạn sản xuất, phát hành.
“Trong cái khó ló cái khôn, tất cả vẫn là tình cảm và tâm huyết của cả ê kíp, chúng tôi đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn. Chẳng hạn như khi dựng bối cảnh, thực hiện phối cảnh chúng tôi không được chặt cây, dù nhân vật chính phải có phân cảnh đốt cây cất nhà. Rồi việc quay phim phải canh con nước cũng là một thử thách, bởi đoàn phim vừa bố trí máy, dựng bối cảnh với con nước đang tràn bờ, chưa kịp quay gì, nước bỗng nhanh chóng rút nhanh ra biển… khiến cả đoàn phải lội bùn sình trở lại chờ đợi con nước tiếp theo vào hôm sau.
”Đạo diễn Trần Ngọc Phong cũng cho biết, hiện tại phim đang vào giai đoạn hậu kỳ, đúng tiến độ thời gian để gửi hội đồng duyệt vào tháng 8 và tham dự Liên Hoan phim Việt Nam vào tháng 9/2021.
“Cho đến hiện tại, "Cơn giông" là tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng duy nhất ra mắt trong năm nay. Còn về đầu ra phát hành phim, chúng tôi vẫn chưa biết được kế hoạch. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, thời gian ra rạp của phim vẫn còn là một điều khó dự đoán”, đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ.
Tiểu thuyết Cơn giông được Nhà xuất bản Trẻ in lần đầu vào năm 2002, sau đó được tái bản nhiều lần. Tác phẩm cũng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và giải thưởng Văn học ASEAN 2006.
Phim do nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang chuyển thể trong hơn 5 năm. Đạo diễn Trần Ngọc Phong tiếp tục hoàn chỉnh kịch bản phân cảnh với sự bổ sung vào câu chuyện một số nhân vật từ những truyện ngắn khác của nhà văn Lê Văn Thảo, như "Ông cá hô, "Đi thăm chồng"… để khắc họa rõ hơn thân phận người miền Tây sông nước.