Đàn ông sểnh một cái là ra khỏi nhà
(DNTO) - Vì sao đàn ông cứ sểnh một cái là chạy ra ngoài đường như thể hai chân có gắn sẵn cái "mô-tơ" tự động?
Thời gian căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19 đã tạm đi qua, việc “cố thủ trong nhà” của các thành viên cũng được nới lỏng. Cả nước đang thiết lập một trật tự mới để chung sống an toàn với Covid-19. Một số hình thức dịch vụ kinh doanh vẫn còn theo kiểu thăm dò cảnh giác, số ít thì hoàn toàn chưa được hoạt động trở lại. Thực trạng này ảnh hưởng rõ nét nhất với người đàn ông trong gia đình.
Họ làm việc ở nhà nhiều hơn, ít đi ra ngoài hơn bình thường. Việc này khiến cho các chị vợ yên tâm và sảng khoái hơn. Bọn trẻ con trong nhà phấn khởi, thích thú hơn. Nhưng với các quý ông, thật tâm mà nói là rất khó chịu, bứt rứt, nôn nóng và… cuồng chân.
Vì sao đàn ông cứ sểnh một cái là chạy ra đường như thể hai chân có gắn sẵn cái "mô-tơ" tự động?
Dễ hiểu nhất là công việc của họ thường là ở bên ngoài ngôi nhà. Với đàn ông, sự nghiệp là cuộc đời, là lĩnh vực thiêng liêng, là nơi khẳng định vị trí, bãn lĩnh của họ. Họ xem vai trò của mình trong một cơ quan, doanh nghiệp hay một tổ chức quan trọng hơn vai trò của họ trong gia đình. Họ sẵn sàng “ăn gian” thời gian của gia đình để làm mọi việc ở ngoài xã hội nhằm củng cố địa vị, lĩnh vực công tác của mình.
Ngoài công việc, bất kỳ người đàn ông nào cũng có tham vọng muốn đạt được thành công trong tất cả các mối quan hệ xã hội: Quan hệ với sếp, với đồng nghiệp với đối tác, khách hàng…Trong đó quan hệ bạn bè là không thể thiếu. Tình bạn là một phần quan trọng, thiết yếu trong cuộc đời mỗi người đàn ông. Đó có thể là bạn học: tiểu học, trung học, đại học… tùm lum học. Đó có thể là bạn làm ăn, bạn cùng sở thích giải trí, thể thao, văn nghệ…, hay đơn giản chỉ là bạn nhậu. Việc tụ tập với bạn bè ở các quán nhậu sau mỗi ngày làm việc là một thú vui của khá nhiều đàn ông.
Nhưng đặc biệt là hầu như ông nào cũng có một người bạn chí cốt, sống chết có nhau, đôi khi làm các bà vợ hoang mang, thậm chí ganh tị. Chỉ cần một tin nhắn hay một ám hiệu là bất kể sáng tối, họ sẵn sàng xách chai rượu với bịch mồi chạy tới với bạn ngay. Những lúc rơi vào thời điểm khủng hoảng cùng cực, khi gần như toàn bộ thế giới quay lưng lại với họ, thì đây là nơi họ đặt niềm tin sâu nặng nhất chứ không phải là người bạn đời.
Đàn ông có thể chịu thiếu thốn nhiều thứ nhưng khó có thể thiếu bạn bè. Không giao du, không quan hệ, đàn ông sẽ có cảm giác như bị trói chân trói tay. Nhu cầu này lại mâu thuẫn với nhu cầu sum họp gia đình của đàn bà.
Tuy nhiên, hiểu được những đặc điểm trên của người đàn ông, các bà vợ sẽ biết cách điều tiết giữa hai nhu cầu này sao cho vừa tránh tạo cho bản thân những mối hoài nghi, bực bội, tủi hờn, oán trách, thậm chí làm mất đi hòa khí và hạnh phúc gia đình.
Ở một khía cạnh khác, theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thì còn có một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng khiến người đàn ông thích ra khỏi nhà, đó là không khí căng thẳng trong gia đình xuất phát từ các bà vợ. Ông dẫn chứng lời nhận định của nhà tâm lý học người Mỹ, Kriput R.Adams: "Khi một người chồng hay ra khỏi nhà thiếu lý do chính đáng, tức là anh ta không tìm thấy niềm vui trong gia đình".
Cũng theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, một trong những hành vi của người vợ làm cho không khí gia đình căng thẳng, góp phần “khởi động mô tơ” cho người đàn ông biến ra khỏi nhà là tính nói nhiều, nói nhây kiểu kêu ca, phàn nàn, đay nghiến của "bà la sát".
Chúng ta thường thấy đàn bà nói nhiều vì nghĩ rằng để bảo vệ hạnh phúc gia đình; đàn ông muốn tìm sự “bình yên”, nín nhịn cũng là để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhưng khi “tức nước” mà muốn tránh “vỡ bờ” thì người đàn ông sẽ chọn cách bỏ đi ra ngoài.
Nên nhớ rằng, bầu không khí đầm ấm của gia đình là nơi hấp dẫn người đàn ông nhưng sự nghiệp và bạn bè tạo nên sự khác biệt giới tính của họ.
Tóm lại, tại sao người đàn ông của bạn thích đi ra khỏi nhà? Họ thích đi ra khỏi nhà là vì… họ là đàn ông, hơn thế nữa là đàn ông có sự nghiệp. Còn khi họ đi ra ngoài vì họ không còn thương yêu bạn, không có trách nhiệm với gia đình thì lại là một việc khác. Nhận ra bản chất của vấn đề đòi hỏi sự mẫn cảm và trí thông minh của bạn.