Đàn chó bị tiêu hủy: Bài học về cái tầm và cái tâm
(DNTO) - Trong dòng người hối hả về quê, có đôi vợ chồng nghèo chở theo 15 con chó xuôi về phương Nam. Hình ảnh ấy nhanh chóng lan truyền làm bồi hồi hằng triệu trái tim. Những cảm xúc chưa kịp lắng xuống thì cộng đồng mạng lại dậy sóng khi hay tin những chú chó kia vừa bị tiêu hủy.
Thành phố nới lỏng giãn cách nhưng nỗi ám ảnh về người chết, về cái đói khiến hai vợ chồng anh thợ hồ nghèo quyết định theo dòng người dạt về quê. Trên hành trình hồi hương, họ mang theo cả đàn chó vì không thể bỏ rơi những con vật mà họ đã xem như thành viên trong gia đình. Thông điệp của lòng yêu thương ấy chưa kịp lắng xuống thì hôm qua, cộng đồng mạng đã rầm rộ tỏ thái độ phẫn nộ khi hay tin, những chú chó kia vừa bị tiêu hủy.
Dễ thấy nhất là những lời lẽ lên án, mắng nhiếc, chửi rủa không tiếc lời của cư dân mạng. Bình tĩnh hơn là sự vào cuộc của những người am hiểu về khoa học. Họ phân tích và đưa ra nhiều luận chứng để chứng minh virus SARS-CoV-2 không thể từ vật nuôi lây lan sang con người. Cũng có những người am hiểu luật pháp, họ dẫn chứng ra các điều luật quy định liên quan đến bảo vệ và tiêu hủy vật nuôi.
Tiêu hủy vật nuôi, trong nhiều trường hợp, nhất là khi xảy ra dịch bệnh đàn gia súc là chuyện vẫn thường xảy ra. Nhưng vì sao việc tiêu hủy đàn chó trong trường hợp này lại vướng phải phản ứng kịch liệt như vậy?
“Con chó nhà em dùng để giữ nhà. Em rất thương nó”, thời của tôi, đây được xem là “câu văn mẫu” cho bài tập làm văn “Miêu tả con chó nhà em”. Sự gắn kết giữa chủ và con chó hồi đó đơn giản vì nó gần gũi và có ích. Thời gian gần đây, cuộc sống con người hiện đại, văn minh hơn, chó được xem là thú cưng, được đối xử “như” con người. Thậm chí một số nơi ở phương Tây, người ta còn hài hước khi xếp thứ tự ưu tiên cho chó đứng trước đàn ông, chỉ sau phụ nữ và trẻ em. Ở nước ta mấy năm qua, đã xảy ra không ít tình trạng người dân bao vây đánh đập có khi dẫn đến tử vong mấy tay trộm chó.
Trong bối cảnh, dòng người hồi hương đang là một vấn đề xã hội thu hút đông đảo sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, trong đó, hình ảnh đàn chó đội nắng, đội mưa theo chủ long đong trên bước đường đi tìm nguồn song, đang làm bao nhiêu trái tim thổn thức… thì đùng một cái, có tin đàn chó bị tiêu hủy. Nó như một phát súng bắn vào lòng trắc ẩn của những ai yêu thương vật nuôi, trong đó có các “fan cuồng” thú cưng.
Trong khi mọi người đang bức xúc phản ứng dữ dội thì theo lý giải của chính quyền địa phương: Nguyên nhân khiến đàn chó bị tiêu hủy là do chủ nhân của nó trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm và sau đó bị đưa đi cách ly do dương tính SARS-CoV-2, đàn chó không ai trông coi, không được buộc nhốt, chạy rong trong khu cách ly, phóng uế, ảnh hưởng đến vệ sinh chung và nguy hiểm cho mọi người, vấp phải phản ứng không đồng tình của người dân trong khu cách ly. Do áp lực bởi công tác phòng dịch bề bộn, cộng thêm áp lực từ người dân đang cách ly trong khu vực, đồng thời người nhận nuôi cũng không có ý kiến gì nên địa phương quyết định tiến hành tiêu hủy đàn chó. Cũng theo chính quyền sở tại, hiện nay chưa nhận được phản ánh nào của người nhận nuôi cũng như nhân dân xung quanh khu vực về vấn đề này.
Ít ai biết, trong thời gian giãn cách, dù thiếu ăn, nhưng khi được chính quyền hoặc các đoàn cứu trợ phát gạo, thức ăn, mắm muối… hai vợ chồng họ vẫn ăn uống dè xẻn, chừa phần cho bầy chó. Bốn tháng thất nghiệp, ông bà thà có lúc chịu đói chứ không để bầy chó đứt bữa. Người và vật chia nhau từng khẩu phần ăn, từng chỗ ngủ ấm. "Trước có người hỏi mua 300, 500 ngàn thậm chí 1 triệu, thiếu thốn thì thiếu chứ tôi không bán. Ở lâu, thương chúng nó lắm. Đứa nào cũng khôn ngoan lanh lẹ…”, người đàn ông thổ lộ.
Tất nhiên tôi cũng như mọi người khác, rất tội nghiệp đàn chó. Nhưng thấu cảm được sự gắn bó giữa người và vật, tôi lại nghĩ thương hai vợ chồng nhà nọ phần hơn. Tôi nghĩ đến câu chuyện trước khi dấn thân vào cuộc hồi hương đầy bất trắc kia, chắc họ cũng không nghĩ mình bị dương tính, giờ đang vừa lo lắng cho bệnh tình của mình (trở thành F0 trong thời điểm này ai mà không sợ) vừa đau lòng tiếc thương bầy chó; tôi lại nghĩ đến họ đang trong tâm trạng bất lực, trị bệnh là phải đi rồi, lại nghe nói bầy chó có thể làm lây lan dịch bệnh càng sợ hơn, vạn bất đắc dĩ vì trách nhiệm cộng đồng, họ phải cam chịu. Rồi đây sau khi hết bệnh trở về, không biết họ đối diện với niềm đau này như thế nào và cần bao nhiêu năm tháng để nguôi ngoai?
Những lý do mà chính quyền sở tại đưa ra không phải là không có thực; đành rằng sự ào ạt trở về quê cùng một lúc quá nhiều người từ vùng dịch có làm cho địa phương lúng túng và chịu nhiều áp lực. Nhưng đáng lý trước khi đưa ra quyết định nầy chính quyền sở tại cần bình tĩnh một chút.
Trước hết là cần nắm rõ ràng hơn kiến thức về việc lây lan Covid-19 giữa người và vật nuôi (rất tiếc, lời phán này phát ra từ một vị bác sĩ). Từ đó, tìm một nơi lưu trú an toàn cho bầy chó chờ ngày chủ nhân trở về. Giải quyết một vấn đề phát sinh một cách hữu hiệu, đầy bản lĩnh mới tạo nên sự khác biệt về tầm nhìn và cái tâm của người lãnh đạo. Ông bà xưa nói “cái khó bó cái khôn”. Nhưng ngàn năm sau, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều trường hợp “cái khó ló cái khôn”, bởi “con hơn cha là nhà có phúc”.
Thôi thì, đại dịch đã mang đến cho chúng ta nhiều mất mát, đau thương, nên mở lòng vị tha một chút, bao dung một chút, cũng là cho chúng ta cơ hội thu dung một bài học ở đời.