Cuộc đua đưa chợ truyền thống lên thương mại điện tử chỉ mới bắt đầu
(DNTO) - Lộ trình số hóa được đề ra từ nhiều năm nay đã phần nào đi vào thực tiễn và hỗ trợ các sinh hoạt hằng ngày của người dân, ngay cả việc đi chợ hay mua hàng. Người tiêu dùng hưởng lợi nhưng nhiều người bán chưa bắt kịp.
Hiện nay, có khá nhiều trang thương mại điện tử đang bắt đầu "tấn công" vào dịch vụ đi chợ mua hàng hộ. Ngay cả các ông lớn về gọi xe cũng đã có sự cạnh tranh về dịch vụ này, điển hình và Grab và be. Tuy nhiên, theo trải nghiệm của phóng viên ở 2 ứng dụng này, Grab đang có phần thất thế về sự tiện dụng.
Để có thể sở hữu một gian hàng trên ứng dụng GrabMart, các tiểu thương phải đăng ký với nhà cung cấp và sẽ có bộ phận thẩm định đến nơi bán để kiểm tra các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy phép kinh doanh, toàn bộ quy trình này cần đến 2 tuần.
Trên ứng dụng GrabMart, hiện nay vẫn có rất ít các gian hàng từ các chợ truyền thống tham gia, các gian hàng tại đây chủ yếu chỉ bán các loại thức ăn đóng hộp và trái cây, không có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Bên cạnh đó, các gian hàng siêu thị khôn thực sự cần thiết vì tại các siêu thị hiện nay đều đã có ứng dụng mua hàng giúp khách như Speed L của Lotte hay Go! & BigC của siêu thị Big C với cách hoạt động tương tự. Thậm chí mua hàng trực tiếp từ siêu thị còn giảm được chi phí giao hàng nếu khoảng cách gần.
Bên phía đối thủ trực tiếp là be thì rõ ràng là Grab đang thất thế ở nhiều khía cạnh. Khi đặt hàng trên be Đi chợ, người tiêu dùng chỉ cần nhập nơi mua hàng (ví dụ chợ Tân Định..) và tên món hàng (ví dụ thịt ba rọi 500g, rau muống 1 bó..), shipper sẽ đến khu vực đó mua đúng số lượng hàng và lấy hóa đơn bán lẻ hợp lệ, khách đặt sẽ thanh toán theo hóa đơn kèm theo phí giao hàng đã có sẵn lúc đặt. Ưu điểm của ứng dụng này là các tiểu thương không cần phải đăng ký trước với nhà cung cấp, người giao hàng sẽ mua theo sự thỏa thuận với người mua.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lo ngại việc này sẽ không đảm bảo tuyệt đối về chất lượng hàng hóa, nhất là đồ tươi sống.
Chị Thảo (ngụ Q.Tân Bình) cho biết chị thường đi làm về muộn nên trước đây hay đặt mua hàng siêu thị qua app của siêu thị: "Có lần tôi đặt qua ứng dụng mua một ít thịt lợn, tôi phải theo dõi ứng dụng thường xuyên để xem tài xế có đi đúng lộ trình đến đúng chợ gần nhà tôi không. Đến khi nhận hàng thì thịt không được ngon".
"Cũng không trách được vì anh giao hàng có thể không biết lựa thịt mà các hàng bán ở chợ thì không phải món nào cũng chất lượng như siêu thị", chị Thảo nói.
Hiện nay Grab chỉ đang triển khai dịch vụ GrabMart tại một số chợ như chợ Bà Chiểu, chợ Hòa Hưng, chợ Tân Bình... Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố, nhiều tiểu thương không mấy mặn mà với các ứng dụng này.
Chị Hảo có một tiệm bán hải sản tươi sống tại chợ Phạm Văn Hai cho biết không có nhu cầu tham gia bán hàng qua ứng dụng vì phiền phức. "Hiện tại tôi chỉ bán tại chợ và nhận đặt hàng trực tiếp, bên tôi có người đi giao miễn phí trong vòng 10km, bán qua app phải chiết khấu nữa, lời có bao nhiêu đâu".
Có thể thấy, việc mang chợ truyền thống lên sàn thương mại điện tử là một điểm mới của loại hình dịch vụ số, tuy còn nhiều bất cập nhưng giá trị mà dịch vụ này mang lại là hiện hữu. Việc đi chợ qua app giúp người dùng rút ngắn được các quá trình và tiết kiệm thời gian đối với người bận rộn. Người tieu dùng cho rằng các ứng dụng đang cung cấp dịch vụ này nên có những cải thiện thiết thực để làm sao có thể dung hòa việc tiện lợi và bảo đảm được chất lượng sản phẩm khi đến tay khách hàng.