Cổ vũ bóng đá cần trở thành nét đẹp văn hóa, văn minh
(DNTO) - Ngày 12/5 sẽ diễn ra lễ khai mạc SEA Games 31 tại sân Mỹ Đình. Đến hẹn lại lên, tín đồ thể thao Việt Nam lại có dịp thưởng thức mãn nhãn các trận đấu trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, trong đó bóng đá luôn chứng tỏ vị thế ngôi vua của nó.
Có 8 môn thi đấu khởi tranh trước ngày khai mạc SEA Games 31, gồm có: Nhảy cầu, cờ vua, kickboxing, kurash, bóng ném bãi biển, pencak silat, rowing và tất nhiên là… bóng đá.
Quả bóng lăn trên sân cỏ trước ngày diễn ra khai mạc là nỗi chờ mong háo hức của người hâm mộ. Nhưng ngoài những niềm vui chiến thắng và nỗi buồn mỗi khi thất bại thì sự cổ vũ của người xem bao giờ cũng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cầu thủ và có giá trị quyết định rất lớn vào kết quả thắng thua của một trận đấu.
Cổ vũ bóng đá không còn là một hành động, nó đã trở thành văn hóa. Văn hóa cổ vũ nói lên trình độ, đẳng cấp của người xem. Rất tiếc, vẫn còn một số khán giả nhân danh tình yêu cuồng nhiệt với trái bóng mà có những cử chỉ, hành động bị đánh giá là kém ý thức, thiếu văn hóa, văn minh, thiếu lòng tự trọng, làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia…
Cổ vũ trước trận đấu
Sự việc xảy ra mới đây là một ví dụ. Tối 8/5, trước khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu giữa đội tuyển U23 Việt Nam - U23 Philippines trên sân Việt Trì, ngoài cờ, trống cùng nhiều dụng cụ cổ vũ trận đấu được các cổ động viên Việt Nam sử dụng, còn có hàng vạn cuộn giấy vệ sinh được hàng ngàn khán giả ở khu vực khán đài B tung lên trời, trắng xóa.
Dù hình ảnh các cuộn giấy bay lên đã tạo nên hiệu ứng vô cùng đẹp mắt nhưng cảnh tượng giấy vệ sinh bị nước mưa làm ướt nhũn tràn ngập khắp mặt sân sau đó, thậm chí rơi cả xuống khu vực đường chạy trong sân thi đấu, nhưng không được cổ động viên thu dọn, trông rất phản cảm, nhếch nhác, mất vệ sinh. Cùng với đó là hàng vạn chiếc áo mưa, giấy vệ sinh vứt tung tóe trên khán đài gây áp lực cho ban tổ chức trong việc thu dọn, vệ sinh môi trường.
Hành động cổ vũ này sau đó đã bị các hội cổ động viên bóng đá trên một số diễn đàn và các cư dân mạng đưa ra nhiều ý kiến tranh luận kịch liệt. Đa số cho rằng việc mang giấy vệ sinh ném trên khán đài là lợi bất cập hại, phản cảm, thiếu văn hóa, kém ý thức, gây lãng phí, tăng ô nhiễm môi trường…
Cổ vũ sau trận thắng
Sau mỗi trận thắng có tính chất quyết định của đội tuyển bóng đá, “đi bão” là một thói quen của cổ động viên. Ngay khi trọng tài thổi tiếng còi mãn cuộc, tại các thành phố lớn, mọi ngả đường lập tức trở nên sôi động: “Bão nổi lên rồi”.
Có lẽ không phải tự nhiên mà người ta gọi kiểu ăn mừng chiến thắng này là “đi bão”. Bão hiểu theo nghĩa của một hiện tượng thời tiết, bao gồm có gió mạnh và mưa lớn. Hậu quả do bão gây ra thì ai cũng biết. Khi chấp nhận “quăng thân vào nơi gió bão” tức là bạn bất chấp bản thân. Tất nhiên, đây chỉ là cách nghĩ mang tính chất “suy diễn”, chủ quan lẫn một chút hài hước.
Còn theo nhiều cổ động viên, “đi bão” là cách thể hiện tình yêu bóng đá cuồng nhiệt. Trong “cơn bão”, con người cảm thấy thân thiện, gần gũi, đoàn kết, sẻ chia và đôi khi đối xử với nhau muôn phần độ lượng. Cũng bởi vì họ có chung niềm đam mê, có chung một tình yêu với bóng đá và có chung một cảm xúc tự hào và niềm vui chiến thắng. Nhưng trên thực tế, trong mỗi “cơn bão”, sự cuồng nhiệt và kích động chỉ cách nhau một lằn ranh rất mong manh.
Cũng dễ hiểu bởi vì đại đa số họ là những người trẻ, dễ bị kích động bởi âm thanh: Tiếng còi xe, tiếng kèn, tiếng chiêng trống, thậm chí tiếng gõ xoong nồi, thau chảo, tiếng la hét, gọi nhau, tiếng cười nói… và hình ảnh: Pháo sáng, cờ hoa tung bay ngợp trời, rực rỡ khắp mọi nẻo đường. Tất nhiên cũng phải kể đến hiệu ứng đám đông.
Khi sự cuồng nhiệt không được kiểm soát sẽ biến thành trò kích động. Khi đó, bạn tự bôi xấu hình ảnh của chính mình: Quá khích, bản năng, bất chấp các quy định, luật pháp và sự an toàn.
Nhìn nhận về chuyện này, cựu danh thủ đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh, vô địch quốc gia năm 1985, ông Đặng Gia Mẫn, từng nói: Yêu bóng đá, yêu câu lạc bộ của mình trước hết phải yêu bố mẹ mình, yêu sinh mạng của mình đã.
Còn nhớ, sau cơn bão ăn mừng Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, cư dân mạng đã truyền nhau hình ảnh một cô gái khỏa thân quấn quốc kỳ chạy nhong nhong khắp phố. Hay hình ảnh mấy nàng hot girl “ăn mặc nghèo nàn” đứng trên xe múa may quay cuồng khiến không ít người chứng kiến lấy làm xấu hổ.
Cũng trong “một diễn biến liên quan tới bão”, khi Đội tuyển quốc gia Việt Nam kết thúc trận thứ hai của vòng loại World Cup 2022 bằng chiến thắng 1-0 trước Malaysia, ngay khi trọng tài người Iran Moud Bonyadifar thổi tiếng còi mãn cuộc, tại Hà Nội, rất nhiều chiếc xe không biển kiểm soát được các thanh niên "phóng như điên" qua các phố phường Thủ đô.
Nhiều trường hợp tổ chức đua xe, lạng lách đánh võng khiến người đi đường khiếp đảm. Nhiều thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, rú ga, phóng nhanh, phanh gấp, chở quá số người quy định. Nhiều trò chơi với hình ảnh các chiếc mặt nạ quái đản, ghê rợn làm người đi đường khiếp vía. Lực lượng chức năng Hà Nội đã phải tung toàn bộ quân số, căng mình tại các tụ điểm để đảm bảo an ninh trật tự.
Có lẽ, hiếm có đất nước nào mà tình yêu, sự cổ vũ dành cho bóng đá lại cuồng nhiệt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, thể hiện như thế nào để tinh thần cổ động này trở thành nét văn hóa đẹp đẽ, văn minh… rất cần mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm.