Chứng khoán Mỹ tăng khiêm tốn trước ngày Giáng sinh
(DNTO) - Nhiều báo cáo dữ liệu kinh tế mới tại Mỹ đã góp phần đẩy giá cổ phiếu lên một mức khiêm tốn. Nhưng tình trạng thị trường chứng khoán tại đây vẫn còn trong giai đoạn khó khăn.
Các nhà đầu tư Phố Wall đón Giáng sinh trong không khí nhẹ nhõm sau một ngày thị trường có mức tăng khiêm tốn dù đà trượt dài của chỉ số S&P 500 đã kéo theo 3 tuần đi xuống liên tiếp do áp lực từ nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế.
Các chỉ số chứng khoán bắt đầu phiên giao dịch ngày thứ Sáu (giờ Mỹ) ở mức thấp, sau khi có báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá dịch vụ vẫn đang leo thang nhanh hơn dự đoán. Nhưng giá cổ phiếu lại nhảy lên mức tăng lại vào giữa buổi sáng, nhờ có tin khảo sát của Đại học Michigan cho thấy người tiêu dùng vẫn rất lạc quan với nền kinh tế.
Trong phiên giao dịch khá “bập bênh”, chỉ số S&P 500 đã thêm được 22.43 điểm, tương đương mức tăng 0,6%, lên thành 3844.82. Trong khi đó, chỉ số vốn có nhiều hãng công nghệ Nasdaq Composite đã lên được 21.74 điểm, bằng 0,2%, đạt mức 10497.86. Dow Jones Industrial Average tăng 176.44 điểm (0,5%), kết thúc ở mức 33203.93.
Thế nhưng mức tăng nhỏ này vẫn không thể ngăn cản chuỗi ba tuần đi xuống của các chỉ số S&P và Nasdaq, kết thúc năm 2022 trong “một nốt nhạc buồn”. Chỉ số S&P 500 đã mất 5,8% trong tháng 12, Nasdaq xuống 8,5%, Dow giảm 4%.
“Cổ phiếu đang chật vật trong bối cảnh rất khó khăn”, theo Ed Perks, Giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton‘s Franklin Income Investors. Đội ngũ của ông Perks đã đưa ra khoảng 60% danh mục đầu tư hàng đầu của họ vào trái phiếu, thay đổi từ mức 70% sang cổ phiếu vào hồi đầu năm 2022.
Bởi có một mối liên kết chặt chẽ giữa thu nhập của các tập đoàn lớn và thái độ của người tiêu dùng, giới đầu tư rất nhạy cảm với các thông tin cho thấy trạng thái “hầu bao” của người dân Mỹ trong tình cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế đang chậm lại.
Trước đó, các thông tin thị trường lao động cho thấy chỉ số thất nghiệp vẫn thấp mặc dù đã có rất nhiều đợt sa thải. Các thông số kinh tế được tung ra trong ngày cho thấy mức tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại trong tháng 11 so với tháng 10. Nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn còn khá tự tin vào nền kinh tế, theo báo cáo khảo sát của Đại học Michigan.
Trong bản báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (personal-consumption expenditures - PCE) cho thấy giá dịch vụ đã tăng 0,4% trong tháng 11, một mức tăng đáng ngại. Trong những tháng vừa qua, giá dịch vụ đã nhiều lần gây áp lực lên giới đầu tư chứng khoán.
Lợi suất trái phiếu 2 năm kho bạc Hoa Kỳ đã đạt 4,321%, tăng từ mức 4,263%. Còn trái phiếu kỳ hạn 10 năm lại tăng 3,746% từ mức 3,669% của ngày hôm trước. Lợi suất trái phiếu tăng khi giá trái phiếu giảm.
Trong năm nay, cuộc tăng lãi suất cao “dễ sợ” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa đẩy các nhà đầu tư vào trái phiếu, vốn được xem là một tài sản đầu tư an toàn, dẫn đến lãi suất trái phiếu tăng vọt.
Với lãi suất cho vay tăng cao như thế, nỗi lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn. Tuy suy thoái chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty lớn, nhưng các nhà đầu tư cũng đang đặt câu hỏi: Liệu một đợt suy thoái kinhh tế có thể khiến Fed giảm lãi suất cho vay? Đã có nhiều nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất cho vay vào năm tới, nhưng điều này trái ngược với giọng điệu của các quan chức Fed, họ đã nhấn mạnh lãi suất sẽ được đưa lên mức cao hơn nữa và giữ vững trong một thời gian dài.
Hans Olsen, Giám đốc đầu tư tại Fiduciary Trust cảnh báo: “Nếu Fed giữ vững lập trường để tiếp tục chiến đấu với lạm phát, dù cho nền kinh tế có chậm lại, thì chắc chắn thị trường cổ phiếu sẽ còn phải chịu trận”. Và không ai biết được liệu khi nào thì lạm phát mới bình ổn trở lại.
Lo lắng giá cổ phiếu còn có thể rớt xuống hơn nữa, Fiduciary Trust đã tăng trữ lượng tiền mặt trong Portfolio của họ nhiều gấp năm lần so với thường lệ, ông Olsen cho biết.
Chỉ số dầu hoả Brent Crude tăng 3,6%, giao dịch ở mức $83.92/ thùng. Năng lượng là ngành có mức tăng trưởng tốt nhất trên bảng S&P 500 trong ngày thứ Sáu.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ sẽ đóng cửa không giao dịch vào thứ Hai tuần sau để mừng lễ Giáng sinh.
Ở nơi khác, chỉ số toàn lục địa châu Âu, Stoxx Europe 600 chỉ nhỉnh lên 0,1%. Tại Anh Quốc, chỉ số FTSE 100 cũng chỉ tăng 0,1%, tuy phiên giao dịch đã được rút ngắn.
Tại châu Á, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều giảm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,8%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,4% và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,3%.
Chỉ số Nikkei tại Nhật Bản đi xuống 1%, sau khi có một bản báo cáo cho thấy mức tăng lạm phát trong tháng 11 đã là mức tăng cao nhất trong vòng 41 năm qua, làm dấy lên lo ngại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2023.