Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings: Doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên áp dụng tư duy công ty cổ phần, minh bạch
(DNTO) - Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên áp dụng tư duy công ty cổ phần, minh bạch và có cấu trúc quản trị gia đình để tạo dựng niềm tin, đảm bảo sự phát triển trong tương lai.
PwC vừa ra mắt báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023. Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp gia đình đang đối mặt với “khoảng cách niềm tin”. Cụ thể là, các doanh nghiệp gia đình đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn giành được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Có khoảng 40% số người được hỏi thừa nhận mức độ tin tưởng thấp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa thế hệ kế nghiệp (NextGen) và thế hệ đương nhiệm; và giữa các thành viên hội đồng quản trị với những người khác.
Ở góc nhìn từ lãnh đạo doanh nghiệp gia đình, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam và Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, cho rằng, môi trường kinh doanh hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp gia đình phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tạo dựng niềm tin với nhiều bên liên quan. Họ không chỉ bao gồm khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư mà còn bao gồm các thành viên gia đình, đối tác kinh doanh và xã hội. Niềm tin được xây dựng dựa trên “cái thật” của doanh nghiệp bằng cách thực hiện những gì đã hứa và đề cao các giá trị như tính chuyên nghiệp, minh bạch, đạo đức và tôn trọng quyền của người lao động”.
“Cho đến nay, chúng tôi chưa bao giờ để mất bất kỳ đối tác kinh doanh nào, kể cả những đối tác mà chúng tôi đã cộng tác từ năm 1995. Các đối tác kinh doanh lâu năm còn bày tỏ mong muốn tiếp tục mối quan hệ và thậm chí còn đề nghị hỗ trợ và đào tạo cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong quan hệ đối tác”, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, chia sẻ thêm.
Đồng thời ông cũng tin rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên thực hành ESG vì đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Ông lưu ý rằng các đối tác quốc tế và các thị trường xuất khẩu lớn thường coi trọng việc bảo vệ môi trường, sức khỏe và quyền của người lao động, tuân thủ thượng tôn pháp luật, minh bạch…
Nói đến niềm tin giữa các thành viên trong gia đình, ông Đoàn cho rằng các doanh nghiệp gia đình Việt Nam nên áp dụng tư duy công ty cổ phần, minh bạch và có cấu trúc quản trị gia đình để tạo dựng niềm tin.
“Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang thực sự đối mặt với thách thức lớn trong việc hoạch định người kế nhiệm do sự khác biệt về tính cách và tư duy giữa các thế hệ. Nếu không có một kế hoạch chuyển giao phù hợp, khi những sự kiện khẩn cấp bất ngờ xảy ra, có thể dẫn đến sự suy yếu của doanh nghiệp và mất mát cho xã hội. Tôi nghĩ, cần phải đào tạo cả người chuyển giao lẫn người kế nghiệp về kế hoạch chuyển giao. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực, chia sẻ giá trị của các nhà lãnh đạo thế hệ đương nhiệm và đối xử bình đẳng với những người kế nhiệm”, ông Đoàn nhìn nhận, đồng thời khuyên các nhà lãnh đạo thế hệ đương nhiệm nên suy nghĩ về các lựa chọn kế nhiệm, bao gồm chuyển giao vai trò quản lý doanh nghiệp cho con cái hoặc người ngoài để bảo vệ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gia đình...
Về phần mình, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Indevco, cho rằng để quá trình chuyển giao được thành công, thế hệ sáng lập và kế nhiệm lẫn các thành viên trong gia đình cần thẳng thắn chia sẻ về việc xây dựng các giá trị và mục đích chung, vai trò và trách nhiệm của các thành viên gia đình. Điều này rất quan trọng để gia đình cùng lèo lái doanh nghiệp tiến về phía trước. Ông Dũng tin rằng sự liên kết, đồng thuận trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến cách thức doanh nghiệp gia đình xây dựng niềm tin với các bên khác như khách hàng, nhân viên, đối tác...
Kết quả khảo sát của PwC cũng chỉ ra rằng, để đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trong tương lai, các doanh nghiệp gia đình cần tái ưu tiên ESG để nắm bắt các cơ hội xanh; doanh nghiệp gia đình cần chứng tỏ họ có thể đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng, vượt ra ngoài các yêu cầu cơ bản về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Trên thực tế, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia đình cần củng cố niềm tin nội bộ. Niềm tin phải được xây dựng từ bên trong. Và doanh nghiệp sẽ không được khách hàng tin tưởng nếu không được nhân viên tin tưởng. Theo khảo sát của PwC, các công ty tích cực tạo cơ hội cho nhân viên trau dồi kỹ năng sẽ có khả năng đạt doanh thu cao hơn và thường thành công hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài...
Đặc biệt, doanh nghiệp gia đình phải xây dựng niềm tin với thành viên trong gia đình. Trong kinh doanh gia đình, sự tin tưởng trong nội bộ giađình là rất quan trọng. Doanh nghiệp gia đình đặc biệt ở chỗ, các thành viên trong gia đình không chỉ làm việc cùng nhau mà còn chia sẻ lịch sử, giá trị và tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả điều này thường được xem là lẽ đương nhiên.
Theo kết quả khảo sát, 40% thừa nhận rằng mức độ tin tưởng thấp giữa một số nhóm thành viên trong gia đình, nhưng chỉ gần 1/3 xem việc được các thành viên trong gia đình tin tưởng là điều cần thiết. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (63%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (54%).
"Khi các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Điều này có thể giải thích kết quả 64% số người được hỏi chia sẻ rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp hay xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và hâu Á - Thái Bình Dương (29%)", kết quả khảo sát của PwC.