Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nhân trẻ cần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, rèn luyện và có niềm tin
(DNTO) - Trong buổi gặp mặt với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực, cấp bách để doanh nghiệp Việt có thể thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế để đất nước nhanh chóng quay lại đường đua quốc tế.
Sáng nay, 12/10, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt các thế hệ doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2021). Tham dự chương trình có ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM và đại diện các doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam trong cơn đại dịch vừa qua; các doanh nghiệp đã có những đóng góp, xông pha trên nhiều mặt trận để hỗ trợ thành phố trong dịch bệnh.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước mong muốn được nghe những đề xuất, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ông Đặng Hồng Anh – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã báo cáo với Chủ tịch nước tình hình hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có hơn 28 năm hình thành và phát triển với hơn 10.000 hội viên ở 63 tỉnh thành, 10 câu lạc bộ trực thuộc với rất nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ an sinh và kiến thiết cho sự phát triển của đất nước.
Hội có các hoạt động nổi bật như: Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, Chương trình Bình chọn và trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước….
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân, bệnh nhân, các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu: Cung cấp trang thiết bị, máy thở, test nhanh, máy PCR, xe cứu thương, ủng hộ hơn 125.000 suất ăn miễn phí cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu; 16.000 túi thuốc cho cán bộ chiến sĩ và người bệnh F0; 1500 đơn vị máu; 10.000 bình oxy hỗ trợ cho hơn 60.000 F0; 1.500 F0 tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân tại 45 bệnh viện; hỗ trợ y, bác sĩ và 50 đội tiêm vaccine; sắp tới là chương trình hỗ trợ 1.200 trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19.
Những chương trình trên được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt tên là ATM với định nghĩa mới An sinh - Tận tâm - Mau chóng đã giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân trong mùa dịch.
Doanh nghiệp cần được "bơm oxy"
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đã có một số đề xuất với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP.HCM liên quan đến các vấn đề như:
1. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sau khi đưa ra quy trình chính sách, trước khi ban hành thì gửi về các địa phương yêu cầu đóng góp ý kiến trong 1-2 ngày rồi các địa phương gửi lại cho Bộ GTVT. Nếu các địa phương không gửi lại, xem như đồng ý; các địa phương gửi lại mà ý kiến phù hợp thực tiễn thì cho chỉnh sửa và ban hành đồng bộ. Hiện vẫn có các địa phương làm theo quan điểm và cách của địa phương mình.
2. Đề xuất gói hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ đó có thể lấy từ: Nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua trong chiến lược 5 năm; một phần từ dự trữ ngoại hối và từ các ngân hàng theo Thông tư 14/2021. Đề nghị Chủ tịch nước xem xét có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6-12 tháng, ít đi kèm với điều kiện, không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép…
Đề xuất mở đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước tại địa phương hay UBND tỉnh, thành tiếp nhận thông tin doanh nghiệp và hỗ trợ làm việc với ngân hàng để trả lời trong 1 tuần.
3. Có công tác truyền thông mạnh hơn nữa đến người dân, đặc biệt là dân lao động. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động nhanh chóng và thiết thực hơn để giữ chân người lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
4. Ưu tiên vaccine cho các tỉnh, thành có tỷ trọng sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cao như 19 tỉnh phía Nam và các tỉnh, thành phát triển du lịch để phục hồi kinh tế và có nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
5. Đề nghị Chủ tịch nước có một ngày để tưởng niệm các nạn nhân đã mất trong đại dịch. Đề xuất lãnh đạo TP.HCM ít nhất một lần/tuần, giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp thành phố.
Cần tránh lãng phí nguồn lực các doanh nhân trẻ
Về phía doanh nhân TP.HCM, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) báo cáo với Chủ tịch nước, mặc dù thời gian dịch bệnh vừa qua, tình hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn luôn sát cánh với thành phố, Thành Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam để tham gia vào các công tác chống dịch.
Chủ tịch YBA Phạm Phú Trường đã có các ý kiến về một số bất cập liên quan đến doanh nghiệp như tư duy xin-cho, sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện trong quá trình ra chính sách ở một số nơi; Cơ quan quản lý vẫn chưa nhận thấy tổn thất của doanh nghiệp là tổn thất của địa phương; Doanh nghiệp vẫn chưa được xem là một phần giải pháp phục hồi kinh tế và lãng phí nguồn nhân lực doanh nhân trẻ.
Dựa trên các bất cập đó, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đã có những kiến nghị đến lãnh đạo Nhà nước:
1. Nhanh chóng loại bỏ tư duy xin-cho, sợ trách nhiệm khi ra chính sách và thay bằng nguyên tắc luật không cấm thì được quyền làm, đủ an toàn thì sản xuất, không kể ngành nghề.
2. Chính sách chống dịch và phục hồi kinh tế phải nhất quán, hướng đến toàn quốc và toàn cầu, trong đó có nhu cầu lao động, hoạt động liên tỉnh, sử dụng chuyên gia quốc tế, hàng hóa lưu thông, giao thương là những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hoạt động.
3. Để doanh nhân tham gia đóng góp một cách chính thức, trực tiếp trong các hoạt động xây dựng chiến lược, chính sách khôi phục và phát triển kinh tế cấp địa phương, cấp quốc gia phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nhân.
Ngoài ra, nhiều doanh nhân tiêu biểu trong cộng đồng doanh nhân trẻ cũng đã có những ý kiến đóng góp thiết thực và tích cực để xây dựng cộng đồng doanh nhân-doanh nghiệp vững mạnh, góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cũng báo cáo với Chủ tịch nước về tâm thế của doanh nhân trong giai đoạn mới: “Chủ tịch nước đã rất quan tâm đến các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế tư nhân đóng góp không ít cho GDP cả nước và TP.HCM, đó là một sự đóng góp rất tích cực".
Ông Đặng Văn Thành cũng đề xuất một số kiến nghị lên Chủ tịch nước về các gói hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phát triển sau đại dịch.
Ông Thành cho rằng Việt Nam vẫn đang ở mức 2,2%/GDP, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Điều này có thể hiểu do ngân sách chúng ta còn eo hẹp. Giãn thuế, miễn thuế là chính sách chung nhưng phải làm sao không để các doanh nghiệp “té nước theo mưa”.
Chủ tịch Tập đoàn TTC mong muốn Chủ tịch nước thực hiện một “quy trình ngược” mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ làm thí điểm đầu tiên: Những doanh nhân nào cảm thấy cân đối được tài chính thì đăng ký không cần giãn thuế, miễn thuế. Đối với các doanh nghiệp lớn, vững mạnh, “quy trình ngược” này sẽ rất được hưởng ứng. Ngân sách khiêm tốn thì nên tập trung chứ không nên áp dụng đại trà.
Về vấn đề nguồn lao động, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng sau tuyến đầu chống dịch thì nên ưu tiên vaccine cho công nhân. Về vấn đề nơi ở cho lực lượng lao động, công nhân, ông Thành nêu quan điểm doanh nghiệp và nhà nước nên làm việc với các nhà trọ để hỗ trợ miễn chi phí thuê trọ, khuyến khích người lao động quay lại làm việc.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng nguồn lao động đang là vấn đề khó khăn nhất đối với thành phố và doanh nghiệp: "Tôi rất phấn khởi khi biết thời gian tới lãnh đạo TP.HCM sẽ có những chính sách hỗ trợ cho người lao động. Mong Chủ tịch nước xem xét các quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các vấn đề cho đối tượng này, nhất là các vấn đề về nhà ở".
“Vấn đề tiếp theo tôi muốn nêu là luật. Luật hiện rất chồng chéo, đây là trách nhiệm của người soạn thảo, dẫn đến tác động của các luật lên nền kinh tế rất lớn. Trên cương vị là doanh nhân, tôi cho rằng chỉ cần cơ chế cởi mở, công bằng, minh bạch thì chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội đóng góp hơn cho đất nước. Mong Chủ tịch nước xem xét kiến nghị với Bộ Chính trị ban hành quy định người soạn thảo luật phải chịu trách nhiệm về các luật do họ soạn thảo, tránh tình trạng vô trách nhiệm”, ông Trung kiến nghị thêm.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Chủ tịch PNJ bày tỏ niềm tin với bức tranh kinh tế Việt Nam sau đại dịch khi các vị lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước liên tục tổ chức các buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nhân, lắng nghe và chia sẻ kịp thời để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định để phát triển sản xuất.
Bà Ngọc Dung cũng kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu một chiến lược dài hạn và đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch; Chính phủ cũng cần tung các gói kích thích kinh tế để giúp doanh nghiệp phục hồi. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ là vô cùng cần thiết.
Về khía cạnh an sinh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM cho rằng cần ngăn chặn tình trạng đứt gãy nguồn lực lao động tại khu vực động lực kinh tế trọng điểm phía Nam sau hiện tượng làn sóng người lao động đổ xô về quê. "Cần hướng các gói kích thích kinh tế vào việc tạo ra hạ tầng phúc lợi cho chất lượng cuộc sống của người lao động, cũng như tăng cường các chương trình an sinh", bà Dung phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn gửi lời chúc mừng đến các doanh nhân trẻ. Ông đánh giá cao 3 kết quả nổi bật của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong 3 năm qua. Thứ nhất, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy vận hành xuyên suốt ở 63 tỉnh thành, giúp việc kết nối các thành viên, các thế hệ doanh nhân trẻ tốt hơn rất nhiều; Thứ hai là các doanh nhân trẻ đã tích cực tham gia hoạt động xã hội, hỗ trợ các địa phương, được xã hội ghi nhận, khẳng định vị thế quan trọng của mình; Thứ ba là chuyển đổi số và hợp tác quốc tế tốt hơn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định Trung ương Đoàn luôn đồng hành cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo.
Ở góc độ lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dành sự tri ân đối với các thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam và TP.HCM.
"Ngay lúc khó khăn nhất, các anh chị không nói nhiều về những khó khăn của mình mà quan tâm cho những khó khăn của đất nước, của thành phố và chia sẻ bằng những hành động rất cụ thể, không chỉ đóng góp vật chất, tinh thần mà còn là những hiến kế, góp ý cho đất nước, cho thành phố.
Qua những chương trình như mô hình ATM mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động, cách làm của hội được thể hiện rất sáng tạo, rất mới mẻ. Thành phố tin tưởng và trao trách nhiệm để đội ngũ doanh nhân thực sự trở thành chủ thể trong việc phục hồi và phát triển kinh tế", ông Mãi cho biết.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và cộng đồng doanh nhân, Chủ tịch nước đánh giá các kiến nghị của các doanh nhân là rất ý nghĩa, cụ thể với Đảng, Nhà nước và TP.HCM.
"Các bạn trẻ, các doanh nhân trẻ đang gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn giữa lúc hậu đại dịch này. Chúng ta càng phải học tập tinh thần rèn luyện, hăng hái, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phải làm sao để doanh nhân đoàn kết, yêu nước, ý chí sáng tạo và đặc biệt có niềm tin", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ.
Người đứng đầu Nhà nước khẳng định Đảng, Chính quyền, Nhà nước luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và sẽ có những giải pháp, chính sách cụ thể, thích hợp để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.