Chống dịch Covid-19: Bao giờ cho đến... ngày mai?
(DNTO) - "Ngày mai" trong cái tựa trên là ngày nước Việt đẩy lùi đại dịch Covid-19. Chưa thể nói trước là ngày nào, điều đó tùy thuộc vào mỗi chúng ta!
Tuy câu hỏi không thể trả lời vào lúc này, nhưng vẫn đặt ra như một yêu cầu bức bách để thôi thúc hành động, cảnh tỉnh ý thức chúng ta. Ngày đó đến sớm hay muộn, đến hay không đến - phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta. Chẳng riêng gì ai, mà cả thế giới đều khao khát đến ngày mai - ngày hết dịch.
Nhìn chợ búa, quán sá, người với người vô tư giao tiếp, gần gũi, chuyện trò trong hoàn cảnh này, tôi chợt rùng mình đặt câu hỏi: Có ai trong số ấy một lần nghĩ đến kịch bản xấu nếu chẳng may trở thành người mắc COVID-19 chủng mới, rất láu cá và nguy hiểm?
Mở báo, đọc được bài viết của nhà khoa học sinh học phân tử Nguyễn Đức Thái, có mấy thông tin rất đáng lưu tâm, xin trích lại: “Chủng mới Delta như tế bào ung thư”. “Nó là họ hàng của SARS, từng gieo tai hoạ khôn lường. Theo tiến hoá và đặc điểm sinh học, nó phải khôn hơn cha chú nó”.
Tôi “chat” với người anh đang mắc kẹt gần một KCN ở TPHCM, nơi tâm dịch lớn nhất từ trước tới nay. Anh lo lắng vì trên vai đang gánh vác gia đình, là vợ và hai đứa con nhỏ, bản thân mình đang tuổi sung sức, tương lai phía trước với biết bao hoài bão, dự án làm ăn dang dở. Nếu chẳng may, chẳng may nằm xuống!
Vài tuần nay, con số dương tính ngày sau liên tục cao hơn ngày trước, nếu cứ đà này không chỉ TP HCM hay Phú Yên, Quãng Ngãi, Đà Nẵng,... mà tất cả, có khi phải bơi trong biển dịch.
Ở góc độ xác xuất thống kê, mỗi ngày phát hiện vài trăm ca dương tính - tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng dân số nước ta 100 triệu người. Phải xui rủi lắm, ai đó mới nằm trong số 0,000000n người mắc bệnh; ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chắc dịch bệnh khó tới,… dịch ở đâu đó, rất xa nơi mình sống, chắc nó chừa mình ra!?
Nhưng, xin hãy gạt bỏ suy nghĩ phỏng phiêu ấy. Hãy xem nước Mỹ, diện tích tự nhiên lớn hơn nước ta 30 lần, dân số đông hơn 3 lần, nhưng viruscorona chỉ cần chưa tới 30 ngày để có mặt khắp các tiểu bang, quần lui đảo tới mấy lần như trêu ngươi nền y khoa tân tiến nhất thế giới.
Tháng 1 năm nay, phát biểu tại Diễn đàn Davos, Thủ tướng Narendra Modi nói: “Ấn Độ đã có cách tiếp cận chủ động với sự tham gia của cộng đồng và phát triển cơ sở hạ tầng y tế dành riêng cho dịch bệnh và đào tạo nguồn lực của mình để chống lại COVID-19”. Đến giữa tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố: “chúng tôi đang ở trong trận đấu cuối cùng với đại dịch”.
Đúng 1 tháng sau, Ấn Độ hầu như mất kiểm soát, số người tử vong từ hàng trăm lên hàng nghìn người mỗi ngày, kéo dài hơn 1 tháng, nước sông Hằng thiêng liêng không mang đi hết; niềm tin tôn giáo không thể cứu vãn. Đó là một thảm họa khủng khiếp về nhân mạng và phẩm giá con người.
Quốc gia Nam Á này có diện tích lớn hơn Việt Nam 10 lần, dân số nhiều gấp chúng ta 13 lần, thế mà chỉ cần không đầy 1 tháng, COVID-19 chủng Delta phủ khắp lãnh thổ.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh với bất kỳ quốc gia nào, nhưng điểm chung của dịch bệnh là rất ưa thích sự lơ là, chủ quan của con người. Nói về điểm này người Việt ta khi nào cũng sẵn có!
Hãy biết sợ! Hãy đặt trường hợp ta là Ấn Độ, Mỹ, Brazil,… Hãy mường tượng viễn cảnh tang thương bao phủ lấy chúng ta. Hãy trân quý và bảo vệ không gian thanh bình này, bởi điều tồi tệ nhất vẫn loanh quanh đâu đó.
Chỉ đạo chống dịch của Chính phủ ngày 6.7 lần đầu tiên sử dụng những cụm từ rất mạnh “quyết liệt hơn”, “mạnh mẽ hơn”. Chính phủ phân công 2 Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo chống dịch ở TPHCM. Điều đó cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn rất căng thẳng.
Biết rồi, khổ lắm, nhưng vẫn nói và còn nói: Hãy đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt, hạn chế tối đa ra ngoài, tụ tập không cần thiết. Mỗi hành động đúng của chúng ta chính là góp sức cùng cả nước chống dịch.
Nói như chuyên gia Nguyễn Đức Thái: "nó khôn hơn cha chú của nó", logic vận động của vấn đề giản đơn thế này: ta phải thông minh hơn chính ta ngày hôm qua, ta phải hành động mạnh mẽ, quyết tâm hơn chính mình khi trước.