Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô: 'Kích nhầm đối tượng'
(DNTO) - Việc giảm 50% lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ kích cầu thị trường ô tô. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, phần hưởng lợi đang thuộc về nhà sản xuất, với các doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế; trong khi đó, lợi ích của người tiêu dùng trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Ngày 26/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô giảm bằng 50% mức thu hiện hành, áp dụng với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/5/2022.
Thông tin trên là niềm vui cho các nhà sản xuất xe trong và ngoài nước trong bối cảnh thị trường ảm đạm trong những tháng cuối năm, sức mua giảm so với trước đây do tác động của dịch bệnh Covid-19. Thị trường xe ô tô trong nước bất ngờ nóng lên, khi lượng người tham gia đăng ký xe tăng vọt.
Tuy nhiên ở góc độ người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước, nghị định đang gây nhiều ý kiến trái chiều, trong bối cảnh tỷ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp trong nước còn vô cùng thấp.
Chính sách luôn cần sự lan tỏa lớn
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết, hiện chính sách đang hoàn toàn không có tác dụng hỗ trợ cho người yếu thế trong xã hội. Cụ thể, ở góc độ tiêu dùng, đối tượng mua xe ô tô là những người có thu nhập cao trong xã hội, và với những đối tượng này, sự hỗ trợ là không cần thiết.
Mặt khác, chính sách đang "kích" nhầm đối tượng khi thực tế, nền sản xuất ô tô trong nước vô cùng yếu thế.
"Ở góc sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp trong nước chỉ dưới 10% giá trị, tới 90% còn lại là nhập khẩu. Chưa kể, 10% linh kiện sản xuất trong nước cũng chủ yếu là từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng từ lắp ráp rất nhỏ", ông Phạm Thế Anh cho biết. Do vậy, nghị định 103/2021/NĐ-CP với mục tiêu là kích cầu tiêu dùng ô tô, dù là xe lắp ráp trong nước, nhưng thực tế đang "kích nhầm" vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng theo ông, khi đánh giá hiệu quả một chính sách, thì tiêu chí quan trọng nhất cần đạt được là "sự lan tỏa" lớn.
Một chính sách có thể giúp người dân tiết kiệm được chi phí hoặc góp phần gia tăng thu nhập, họ sẽ dành phần lớn số tiền đó để chi tiêu. Điều này sẽ tạo ra công ăn việc làm/thu nhập mới cho những người khác trong nền kinh tế. Nhưng chiều ngược lại, nếu chính sách chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số người giàu, thì phần tạo thêm sẽ rất ít bởi bản thân họ đã đầy đủ và phần chi tiêu thêm sẽ không nhiều. Và như vậy sự lan tỏa của chính sách thấp. "Chính sách vì thế không hiệu quả", ông Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mặc dù không đạt được hai tiêu chí quan trọng là: đúng đối tượng và sự lan tỏa nhưng ưu điểm của chính sách là có thể có lợi cho ngân sách nhà nước. Bởi giá bán xe đã bao gồm thuế phí, chưa kể khi xe đi lăn bánh nhiều khoản phí có lợi cho ngân sách nhà nước.
Cũng theo ông, với các chính sách tác động đến thuế/phí ở chiều giảm (tác động tích cực), thì nên mang tính "úp sọt" sẽ tốt hơn, tránh việc găm xe để đăng ký sau, như vậy sẽ hạn chế việc chen lấn làm thủ tục như những ngày qua.
Thực tế ghi nhận tại thị trường ô tô, ngay khi áp dụng giảm 50% phí trước bạ khiến giá ô tô có thể giảm đến cả trăm triệu đồng tùy loại, tuy nhiên các đại lý cũng nhanh chóng cắt giảm khuyến mại từng áp dụng trước đây để duy trì lợi nhuận của mình.