Chỉ số lạm phát nhẹ nhàng giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc
(DNTO) - Các chỉ số kinh tế mới được tung ra cho thấy lạm phát đang “nguội lạnh”, khiến các nhà đầu tư chứng khoán tại Mỹ phấn khởi. Tuy nhiên, tương lai nền kinh tế nước này vẫn còn trong vòng ngờ vực.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ thi nhau “leo dốc”, kèm theo lãi suất trái phiếu giảm trong cùng phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/12, giờ Mỹ). Đợt tăng phấn khởi này là kết quả của các chỉ số mới được tung ra, cho thấy lạm phát chậm lại trong tháng vừa rồi. Đây là một kết quả mà các nhà đầu tư đã hồi hộp chờ đợi trong thời gian qua.
Theo bản báo cáo cùng ngày đến từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (consumer-price index hay CPI) chỉ tăng 7,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn với con số 7,7% trong tháng 10 - và thấp hơn so với tính toán của nhiều chuyên gia phân tích kinh tế. Các chỉ số cốt lõi, trong đó bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 6%, nhẹ nhàng hơn con số 6,3% đã được dự đoán.
Những thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI - là chỉ số chi phí mà người tiêu dùng Mỹ phải trả cho hàng hoá và dịch vụ) được xem là thước đo cho lạm phát. Chính vì thế, báo cáo CPI đã là một trong những thông tin được mong đợi nhất của giới đầu tư Phố Wall, với nhiều nhà đầu tư đã rất đắn đo về xu hướng của nền kinh tế và ảnh hưởng của nó đến với đường lối điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
CPI trong năm nay đã rất hỗn loạn, khiến giới giao dịch chứng khoán thấp thỏm lo sợ biến động dữ dội mà nó sẽ đem lại cho thị trường chứng khoán. May mắn, chỉ số CPI trong hai tháng vừa qua đã mang đến tin lành cho các nhà đầu tư.
“Tôi rất mừng và ngạc nhiên. Chúng ta không chỉ có chỉ số lạm phát chung nhỏ hơn mà các chỉ số cốt lõi ‘nguội lạnh’ hơn” - Fahad Kamal, Giám đốc đầu tư thuộc Kleinwort Hambros nói.
Tuy vậy, phiên giao dịch hôm thứ Ba (13/12, giờ Mỹ) cũng đã cho thấy giới đầu tư vẫn còn ngờ vực về tương lai của nền kinh tế Mỹ. Các chỉ số chứng khoán chủ đạo tăng vọt ngay sau khi phiên giao dịch bắt đầu, nhưng sau đó “đuối sức” và lại đi xuống trong nửa sau của ngày.
Chỉ số Dow đã nhảy lên đến 700 điểm ở mức đỉnh điểm, nhưng vật vờ lên xuống, cuối cùng chỉ tăng 103.60 điểm, khoảng 0,3%, đạt 34108.64. Chỉ số S&P 500 cũng tương tự, vọt lên 4,2% rồi kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 29.09 điểm, tương đương 0,7%, thành 4019.65. Chỉ số có sự tập trung của ngành công nghệ, Nasdaq Composite, tận hưởng mức tăng 3,8% rồi chấp nhận mức 1% cuối ngày, cộng thêm 113.08 điểm, đạt 11256.81.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thuộc kho bạc Mỹ giảm 3.501% so với mức 3.611% của ngày hôm trước. Giá trái phiếu và lãi suất đi trái ngược nhau. Vào khoảng cuối tháng 10, lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã dao động trong mức 4,231%.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ, vốn rất nhạy cảm với mức tăng lãi suất, đã dẫn đầu cuộc tăng chóng vánh trong ngày. Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, thêm $5.44, tăng 4,7%, đạt mức giá $120.15. Cổ phiếu Alphabet, tổ hợp công ty bao gồm Google, lên $2.32, tương đương 4,7%, giá chạm ngưỡng $95.63. Nhưng cổ phiếu Tesla vẫn giữ xu hướng đi xuống, rớt 4,1%, còn lại $160.95.
Ngược lại, cổ phiếu của các công ty liên quan đến tiền tệ ảo (cryptocurrency) bị áp lực từ sự kiện chính quyền Mỹ bắt đầu khởi tố các nhân vật liên quan đến vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền tệ ảo FTX. Cổ phiếu của ngân hàng Silvergate Capital giảm 12%, xuống còn $18.73. Coinbase rớt 9,2%, chỉ còn $38.69. Cả hai cổ phiếu này đã mất 80% giá trị trong năm nay.
Giá dầu tăng, chỉ số dầu quốc tế Brent tăng khoảng 3,4%, hiện đang giao dịch ở mức $80.68/ thùng. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng một tháng qua, nhờ ảnh hưởng từ việc chính quyền Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các chính sách phòng dịch tại nước này. Nối đuôi theo đó là chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông tăng 0,7%, Shanghai Composite Index tăng 0,1%, Nikkei của Nhật Bản tăng 0,4%. Chỉ số xuyên lục địa châu Âu, Stoxx Europe 600 cũng đã tăng lên 1,3%.