CEO ngân hàng từ chối tăng thù lao vì sợ 'tiêu không hết'
(DNTO) - Trước kiến nghị của cổ đông về việc tăng thù lao cho HĐQT LienVietPostBank lên gần 100 tỷ gắn với chỉ tiêu lợi nhuận, CEO Phạm Doãn Sơn cho rằng con số hiện tại phù hợp thực tế.
Tại đại hội cổ đông thường niên LienVietPostBank tổ chức chiều 29/4, ông Nguyễn Văn Huynh, một cổ đông tự giới thiệu tham gia đầu tư vào ngân hàng này ngay từ những ngày đầu, đề xuất ngân hàng này nên thay đổi chính sách thù lao cho HĐQT.
Năm nay, tổng thù lao cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát LienVietPostBank dự kiến là 35 tỷ. Mức thực chi năm 2020 là 27 tỷ so với con số được đại hội cổ đông phê duyệt là 30 tỷ.
Thù lao phù hợp thực tế
Ông Huynh kiến nghị nên thay đổi mức chi thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát từ con số tuyệt đối sang thành mức tương đối ví dụ như 3-4% lợi nhuận trước thuế. Như vậy, lợi nhuân ngân hàng càng cao, thù lao ban lãnh đạo càng lớn và sẽ tạo động lực để HĐQT dẫn dắt ngân hàng hiệu quả hơn nữa.
LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với mức lãi 2.427 tỷ đồng năm ngoái. Nếu trả thù lao 3% theo mức lợi nhuận này, HĐQT và Ban Kiểm soát LienVienPostBank năm nay sẽ nhận gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, cho rằng nếu trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát 3% lợi nhuận trước thuế là quá cao.
"Thù lao 3% lợi nhuận thì nhiều quá, không tiêu hết được”, CEO LienVietPostBank chia sẻ.
Tuy nhiên, một cổ đông khác lại có quan điểm trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, HĐQT và Ban Kiểm soát LienVietPostBank liệu có nên xem xét giảm thù lao. Trả lời nhà đầu tư này, ông Sơn khẳng định con số 35 tỷ thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát của LienVietPostBank so với các ngân hàng là rất khiêm tốn chứ không hề cao.
Sẽ có hợp đồng bán bảo hiểm mới giá trị
Chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh năm 2021, ông Sơn cho biết chỉ sau quý I, LienVietPostBank đã lãi hơn 1.100 tỷ sau khi trích lập dự phòng bổ sung những khoản nợ cơ cấu vì dịch Covid-19 theo Thông tư 03 mới được ban hành. Do đó, vị CEO tự tin hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành và vượt mục tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ. Đây sẽ là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử ngân hàng này.
Thêm vào đó, ông Sơn cho biết ngân hàng đã mở rộng mạng lưới, đào tạo nhân sự để tăng cường năng lực trực tiếp bán bảo hiểm cho khách hàng. Doanh số bán bảo hiểm của LienVietPostBank năm 2020 là 451 tỷ và dự kiến 2021 sẽ tăng lên 700 tỷ.
Hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm của LienVietPostBank với Dai-ichi Life sắp hết hạn vào đầu năm 2022. “Chúng ta phải có năng lực để đàm phán với các tập đoàn bảo hiểm cho hợp đồng bán độc quyền tới”, ông Sơn khẳng định.
CEO LienVietPostBank cho biết đang thuê đơn vị tư vấn để chuẩn bị thương thảo với các doanh nghiệp bảo hiểm muốn hợp tác độc quyền với ngân hàng. Mục tiêu là hợp đồng mới phải mang lại giá trị tốt nhất và sẽ đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng từ năm 2022 trở đi.
Chưa làm hình ảnh tốt
“Đại hội năm ngoái, giá cổ phiếu chưa đến 10.000 đồng, nhiều cổ đông chất vấn tôi tại sao giá lại thấp thế tôi không biết nói thế nào. Hôm nay, cổ phiếu LPB đã hơn 21.000 đồng”, ông Sơn nói. Theo CEO, kết quả của ngân hàng từ năm nay sẽ còn tốt hơn. LienVietPostBank có mạng lưới lớn và xu hướng phát triển bán lẻ trong ngành ngân hàng là tất yếu.
Trao đổi bên lề đại hội, CEO Phạm Doãn Sơn cho rằng không thể đoán được xu hướng giá cổ phiếu nhưng cá nhân ông cho rằng mức định giá hiện tại của LienVietPostBank chưa cao so với mặt bằng chung của nhiều ngân hàng trên sàn chứng khoán. Thêm vào đó, việc LPB sắp tới sẽ bắt đầu được ký quỹ sau khi giao dịch đủ 6 tháng trên sàn HoSE có thể là một động lực thúc đẩy giá cổ phiếu.
Năm nay, nhà băng này lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 9,99%. Trên thị trường, việc bán vốn cho khối ngoại thường là động lực tích cực đưa giá cổ phiếu tăng.
Ông Sơn chia sẻ, LienVietPostBank đang thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để định giá ngân hàng chính xác, tìm đối tác ngoại lớn để thương vụ bán vốn mang lại giá trị cho cổ đông và chưa thể tiết lộ chi tiết quá trình đàm phán.
“Mình đẹp nhưng mình không biết đánh giá, tự nói về mình nên cần đơn vị tư vấn”, ông Sơn thừa nhận ban lãnh đạo từ trước đến nay chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng và chưa chú trọng việc làm thương hiệu.