Cách các doanh nhân chèo lái con tàu 'vượt bão' Covid-19
(DNTO) - Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến đời sống, kinh tế-xã hội toàn cầu chao đảo. Trong khi nhiều doanh nghiệp ồ ạt bị khai tử vì Covid-19, thì vẫn có nhiều doanh nhân thành công nhờ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để giữ vững vị thế thương hiệu.
Trải qua 4 đợt "nhồi sóng" Covid-19, trong khi nhiều doanh nghiệp chật vật với bài toán sống còn, vẫn có những tên tuổi "vượt lằn ranh sinh tử" đón đầu cơ hội và tăng mạnh doanh thu.
“Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dễ bị tổn thương và “đòn bẩy số” chính là cách để “vá lại các vết thương”, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.
Sự thành công của mỗi doanh nghiệp chứng tỏ mức độ nhanh nhạy, bản lĩnh của “người cầm quân” trước biến động của thị trường. Bản lĩnh kiên cường bám trụ, sáng tạo, linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh đã trở thành tấm gương tiếp thêm sức mạnh cho cả cộng đồng cùng chung tay “vượt bão".
Là doanh nghiệp sử dụng hàng chục nghìn lao động, "ngấm đòn" nặng nề bởi dịch bệnh, song chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10, cho hay, vượt qua khó khăn, May 10 đã chứng minh bản lĩnh khi học cách sống chung với Covid-19 bằng việc linh hoạt chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ.
“Những khó khăn trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ là chất xúc tác để May 10 phát huy nội lực và tiếp tục phát triển đi lên”, ông Việt khẳng định.
Nhớ lại những khó khăn trong quá trình chống dịch, ông Việt cho hay, "chỉ một ca nhiễm thôi cũng có thể phải đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, việc dừng sản xuất dù chỉ một ngày cũng làm đứt gãy cả hệ thống. Chính điều đó vừa là thách thức song cũng là cơ hội để May 10 nhanh chóng chuyển mình số hóa.
"Nếu như trước kia, một chu trình sản xuất của May 10 kéo dài từ 3-6 tháng nhưng từ năm 2020, đã xuất hiện khái niệm "ngay và luôn". Thay vì xây dựng kế hoạch sản xuất theo tháng thì ngày nay chúng tôi xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất theo tuần, thậm chí theo ngày...", ông Việt dẫn chứng.
"Trái ngọt" từ việc áp dụng công nghệ 4.0 bằng một số phần mềm quản lý, tự động hóa trong sản xuất đã giúp nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động của các đơn vị sản xuất tại May 10, giúp doanh thu cả năm 2021 vượt kế hoạch đề ra với 3.865 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020.
Tương tự, dù giữa "tâm bão", song Công ty TNHH TNI King Coffee vẫn ghi nhận những thành tích đáng nể khi được tạp chí Global Brands Magazine bình chọn là “thương hiệu cà phê phát triển nhanh nhất thế giới”.
“Muốn tránh những cơn bão ở phía dưới, doanh nghiệp cần bay ở tầng cao nhất. Và thực tế, chỉ với 5 năm phát triển nhưng chúng tôi đã đạt được những thành quả mà phải cần đến 20 năm, nhiều doanh nghiệp mới làm được điều đó", CEO Lê Hoàng Diệp Thảo, chia sẻ.
Khi ra đời King Coffee, bà Thảo đã định vị ngay lập tức King Coffee phải thành công trên phạm vi toàn cầu. "Tôi nỗ lực hết sức để dù đi sau nhưng sẽ đến trước. Hành trình dù dài đến đâu cũng bắt đầu bằng một bước chân, chỉ cần đi là sẽ tới. Kiên định và quyết tâm, đó chính là tố chất của tôi".
Quyết đoán, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược đã giúp "nữ tướng cà phê" đưa King Coffee vượt bão Covid-19 ngoạn mục.
"TNI King Coffee đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin để tạo ra chuỗi giá trị bền vững ngay từ trước đại dịch Covid-19. Điển hình như ứng dụng IoT trong Khâu trồng và chăm sóc cây cà phê, ứng dụng Blockchain trong việc truy xuất nguồn gốc...", bà Thảo cho hay.
Cũng theo bà Thảo, với nguồn “Big data”, TNI King Coffee phân loại được nhóm khách hàng theo chiều sâu để tối ưu hóa nhu cầu sở thích của khách hàng khi trên các "điểm chạm" trực tuyến từ các kênh thương mại điện tử của TNI King Coffee.
"Có đến 99% người mua hàng hài lòng với dịch vụ và sản phẩm của TNI King Coffee. Chất lượng trên các sản phẩm của chúng tôi đã trở nên hoàn hảo hơn dựa trên tập dữ liệu thu thập theo thời gian, giúp TNI King Coffee đảm bảo được sản lượng và chất lượng đầu ra, tạo lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị phần. Sắp tới, một công ty công nghệ trong tập đoàn của chúng tôi sẽ phát triển và xây dựng super-app. Tôi dự định sẽ mang app này ra nước ngoài, theo xu hướng của thế giới", bà Thảo thông tin.
Cũng theo bà Thảo, yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp thành công khi chuyển đổi số phải có được sự đồng lòng từ trên xuống dưới và cùng chí hướng.
"Khi nói đến công nghệ và số hóa, người ta nghĩ ngay đến phần mềm, hệ thống, CRM….Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chuyển đổi số không bắt đầu từ công cụ, mà bắt đầu từ con người. Đầu tiên từ tư duy của cấp quản lý trong doanh nghiệp, sau đó biến nó thành tư duy và hành động của tập thể nhân viên. Việc áp dụng các công cụ kỹ thuật vào quy trình làm việc mà chưa có được sự nhất quán từ nhân sự sẽ khó có thể chuyển đổi số thành công, tốn hàng tỷ động mà không đem lại hiệu quả", bà Thảo chia sẻ kinh nghiệm.