Các dự án bất động sản đang thế chấp phải được công khai cho người dân
(DNTO) - UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Xây dựng... nghiên cứu, thực hiện công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng
UBND TP.HCM vừa yêu cầu công khai thông tin về các dự án bất động sản (BĐS) đang thế chấp ngân hàng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch BĐS.
Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các thành phố, quận, huyện trực thuộc kiểm tra, rà soát các dự án BĐS đã được UBND TP.HCM quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp.
Đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm, để đất hoang hóa thì kiên quyết báo cáo UBND thành phố thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ủy ban yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Xây dựng... nghiên cứu, thực hiện việc đăng tải công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của đơn vị, niêm yết tại nơi công cộng hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch bất động sản.
Đồng thời các cơ quan chức năng phải tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS, chuyển tiền thu được từ BĐS ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch BĐS bằng tiền mặt.
Ngoài ra, giao Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng phải thành lập tổ công tác, tiến hành rà soát tổng thể các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP (về cơ sở pháp lý, tiến độ triển khai thực hiện,phân loại xử lý trước các dự án thế chấp ngân hành tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp cao...).
Từ đó, báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả để UBND xem xét, giải quyết trên cơ sở phù hợp ý kiến của Bộ Tư Pháp và quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các thành phố, quận, huyện trực thuộc phải chủ động xử lý ngay các vướng mắc khi phát sinh mâu thuẫn giữa người mua nhà, chủ đầu tư và tổ chức tín dụng nhận tài sản thế chấp là dự án nhà ở trên nguyên tắc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các bên.