Bùi Lan Hương trải lòng về việc thể hiện album Em và Trịnh
(DNTO) - Nữ ca sĩ Bùi Lan Hương được khán giả chú ý khi hoá thân vào nhân vật Khánh Ly trong phim Em và Trịnh, đồng thời có màn thể hiện thành công các ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn qua album OST cùng tên do Universal Music Vietnam phát hành.
Đảm nhận vai Khánh Ly trong phim Em và Trịnh, ban đầu, Bùi Lan Hương từng vấp phải hoài nghi. Bởi lẽ đây là một vai diễn khó. Không riêng về ngoại hình mà tiếng hát của Khánh Ly dường như đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” cho nhạc Trịnh, rất khó để người khác mô phỏng theo.
Lần đầu tiên hát nhạc Trịnh, Bùi Lan Hương không chỉ có màn hóa thân trọn vẹn vào nhân vật mà còn nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và khán giả nhờ việc mang đến một phong vị mới cho những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn.
Cách hát lẫn phong thái của cô xuyên suốt bộ phim xoay quanh 2 chữ “bình thản” mà như nữ ca sĩ chia sẻ: “Không phải cứ đau khổ là phải gào lên mà có những cái buồn khiến người ta nín nhịn, nuốt vào bên trong và vẫn phải tiếp tục sống, chịu đựng những điều đó. Việc đó thậm chí còn đau khổ hơn những người gào thét ra được rằng: ‘Tôi khổ quá’. Có những nỗi đau trong mạnh mẽ khiến người ta phải tiến lên, nhìn những đau khổ đó một cách bình tĩnh, bình thản”.
Lâu nay, hễ nhắc đến nhạc Trịnh, hầu như không thể không nhắc đến cái tên Khánh Ly. Với người mộ nhạc, âm nhạc của Trịnh Công Sơn và tiếng hát liêu trai của Khánh Ly, mối quan hệ ấy chặt chẽ như hình với bóng.
Chia sẻ góc nhìn về mối quan hệ quá đặc biệt giữa NS Trịnh Công Sơn và danh ca Khánh Ly, Bùi Lan Hương cho biết: “Tôi tin không phải tình cảm nào giữa nam với nữ cũng là yêu đương trai gái và không phải tình cảm nào cũng là xác thịt. Có những người yêu thương nhau về tâm hồn, người ta yêu bài hát này và yêu giọng hát đó. Hai người quý mến nhau vì có sự giao thoa trong nghệ thuật chứ không phải đến với nhau vì tình cảm trai gái bình thường mà sẽ có rất nhiều tình cảm khác trong cuộc sống giữa nam với nữ”.
Tôi không được tiếp xúc, chỉ là người được hát nhạc ông Sơn nên cũng không dám đánh giá, mà kể cả có được tiếp xúc thì mình cũng không thể đánh giá một con người bởi vì đôi khi chính chúng ta cũng không thể hiểu bản thân thì làm sao dám đánh giá người khác. Mọi sự đánh giá tôi nghĩ chỉ là dưới góc nhìn chủ quan của tôi: ông Sơn hiện ra với tôi đó là một người rất thú vị.
Cùng thưởng thức Còn tuổi nào cho em
Đó là một người không phải quá hào hoa đẹp trai ngời ngời hay soái ca bước ra từ truyện sách thế nhưng những người phụ nữ tiếp xúc với ông đều yêu. Yêu ở đây có thể là thần thái, con người, tính cách, thì có lẽ đó phải là một con người thú vị, người ta vượt qua cái đẹp về mặt ngoại hình. Đương nhiên những người viết nên được những bản nhạc như thế phải là người có tâm hồn rất đẹp.
Tôi cũng là người sáng tác và tôi hiểu là mình không làm được như thế. Như ông Sơn làm được là ông ấy phải có gì hơn người, mà làm không phải 10-20 bài hát mà 600 bài và khối lượng hit cũng chiếm rất nhiều trong kho tàng. Có thể có những người viết 1000 bài nhưng chỉ hit 1, 2 bài thôi còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ta có thể thấy sự khủng khiếp như nào trong sáng tạo nghệ thuật. Dưới góc nhìn của người cũng làm nhạc, hoạt động nghệ thuật thì tôi rất ngưỡng mộ.”
Ca khúc Nhìn những mùa thu đi
Từ Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em cho đến Hạ trắng... qua tiếng hát của Bùi Lan Hương đã có một sức sống mới gần gũi hơn với khán giả trẻ, nhưng không mất đi tinh thần của nhạc Trịnh, khiến người nghe thích thú ngay từ lần đầu thưởng thức.
Xuất thân từ ca sĩ chuyên nghiệp với âm sắc đặc trưng, Bùi Lan Hương không cố bắt chước theo cách hát liêu trai của Khánh Ly, mà chọn lối xử lý nội lực, từ tốn, lãng đãng chút cảm giác hoài niệm.
Khi cất giọng, những âm hưởng dạt dào xúc cảm của Bùi Lan Hương càng làm dày thêm tính giá trị trong ca từ nhạc Trịnh, giúp người nghe cảm nhận rõ hơn về độ sâu của bài hát cũng như cuộc đời của người nghệ sĩ. Nó là nỗi nhớ miên man kéo dài, là nỗi sầu cuồn cuộn trong lòng ngực, nhưng bình thản. Phải bình thản thì niềm đau mới đẹp, và phải bình thản thì những niềm đau đó mới không nhấn chìm con người vào biển khổ.
Bùi Lan Hương trải lòng: “Thứ nhất là tôi phải nghe rất kỹ cách hát của cô và hiểu rằng bản thân phải tập kỹ. Mỗi ngày tôi dành 2 tiếng đồng hồ nghe cô hát rồi hát lại nhưng mình hiểu là nếu hát 100% cái live đó vào giọng của mình nhiều khi sẽ không hay bởi vì nó hay do là giọng của riêng cô Khánh Ly.
Nên tôi đã nghĩ: chữ này đặc trưng sẽ giữ, còn những chữ khác sẽ hát theo cách của mình để trộn lẫn vào với nhau. Thế nên khi mọi người nghe tôi hát sẽ thấy vừa có chất cổ nhưng chất giọng vẫn của tôi, còn chữ lại rất cô Khánh Ly. Khi làm điều này, tôi cũng rất hồi hộp vì không biết chắc sẽ hay hoặc phù hợp hay không. Tôi cân nhắc từng dòng một để suy nghĩ sẽ hát như nào. Cũng may mắn là mọi người thông cảm cho sự nỗ lực hoá thân vào một nhân vật được quá nhiều người biết như thế và dành sự yêu mến cho vai diễn này”.
Mới đây, Uyên Linh đã khẳng định Bùi Lan Hương là ca sĩ hát nhạc Trịnh hay nhất kể từ sau Hồng Nhung. Nhạc sĩ Đức Trí, người đảm nhiệm thực hiện album đồng tình với Uyên Linh và anh nói rõ thêm: “Tôi thấy Uyên Linh nói chẳng sai chút nào. Với khán giả thì tôi không biết. Nhưng nói một cách chính xác hơn, Hương là người hát nhạc Trịnh Công Sơn rất hợp. Hợp bởi sự nhẹ nhàng, từng trải, không phô trương, và quan trọng là cái sự con gái - đàn bà trong giọng hát ấy rất đáng để ta nghe đi nghe lại”.
Nói về “danh hiệu” này, Bùi Lan Hương vui vẻ cho rằng do được quá ưu ái và cũng “xin” không xác nhận danh hiệu này nhưng vẫn rất hạnh phúc khi được ủng hộ đến vậy.