Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ sản phẩm nào có thành phần địa long điều trị Covid-19
(DNTO) - Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm hiện tại, bộ này chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Delta gây ra đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta hiện nay, lợi dụng tâm lý người dân về việc tìm kiếm các sản phẩm có tác dụng phòng, chống Covid-19, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19 của dược liệu địa long trong thời gian qua.
Theo Dược điển Việt Nam V, dược liệu địa long (tên khác: Giun đất), là toàn thân đã phơi hay sấy khô của con giun. Theo Y học cổ truyền, giun đất tươi sống phải được chế biến, bào chế theo đúng phương pháp để loại bỏ độc tố, cũng như ký sinh trùng, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới trở thành vị thuốc địa long để sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền.
Việc lan truyền hướng dẫn uống giun đất tươi sống trực tiếp để hỗ trợ điều trị Covid-19 là phản khoa học, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, cũng như tính mạng của người dân tin theo, làm theo.
Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm hiện nay, bộ này chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Hơn thế, việc lan truyền thông tin thất thiệt về tác dụng phòng, chống Covid-19 của dược liệu, sản phẩm từ dược liệu nói chung và địa long nói riêng sẽ làm cho giá của các sản phẩm đó tăng đột biến và trở nên khan hiếm. Điều này không chỉ làm rối loạn thị trường dược phẩm địa long mà còn phá vỡ những thành quả phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
“Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang”, Bộ Y tế nhấn mạnh.