Bỏ cọc tháo chạy sau đấu giá: Nguy cơ trở thành thông lệ xấu
(DNTO) - Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, nhiều người vẫn nghĩ ngân sách được hưởng lợi nếu nhà đầu tư tháo chạy bỏ lại tiền đặt cọc, tuy nhiên thực tế lại không phải vậy bởi thất thoát không dễ nhìn ra. .
Ngân sách thất thu
Tuần trước, bốn doanh nghiệp đã tham gia đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá cao ngất dự kiến sẽ đóng góp cho ngân sách TP.HCM 37.346 tỷ đồng. Sau 5 ngày tham gia đấu giá, các doanh nghiệp trên đã ký hợp đồng mua bán tài sản và phải sau 90 ngày tiếp theo, là thời gian các doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán đầy đủ số tiền trên, kết quả cuối cùng khi ấy mới ngã ngũ.
Tuy nhiên nếu nhà đầu tư tháo chạy thì số tiền đặt cọc lên tới hàng trăm tỷ đồng sẽ thuộc về ngân sách nhà nước, trong đó Tân Hoàng Minh hơn 588 tỷ đồng; Công ty Bình Minh hơn 145 tỷ đồng; Sheen Mega 203 tỷ đồng và Dream Republic hơn 115 tỷ đồng.
Phát biểu trong buổi tọa đàm về các vấn đề pháp lý lên quan đến các dự án sử dụng đất diễn ra ngày 18/12, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, nhiều người vẫn cho rằng nếu các doanh nghiệp đấu giá không tham gia đến cùng thì cũng không có gì đáng bàn cãi bởi ngân sách sẽ hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế, nhà nước không hề được hưởng lợi, thậm chí còn bị thất thu nặng.
"Vì điều này có thể trở thành thông lệ, chặn nghẽn quy trình đấu giá, buộc cơ quan chức năng phải tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, đôi khi với chính doanh nghiệp tham gia đấu giá. Như vậy tài sản sẽ không có sự cạnh tranh về giá và nhà nước thất thu khi nhận được phần chênh giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Thất thoát nhà nước không dễ nhìn ra", bà Mai cho biết.
Bà ví dụ, tháng 4 vừa qua, một doanh nghiệp tại An Giang tham gia đấu giá thành công quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền. Với giá khởi điểm chỉ là 7,2 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư đã trả tới hơn 2.800 tỷ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm để sở hữu tài sản này. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp này bỏ cọc rút lui, chấp nhận mất tiền tỷ. Hiện tượng này ngày càng nhiều.
"Doanh nghiệp không tham gia sẽ mất tiền đặt cọc liệu đã là chế tài mạnh chưa? Xin thưa là chưa, vì họ sẵn sàng mất vài tỷ", bà nhấn mạnh và cho biết: "đội ngũ cò hay nhà môi giới chỉ mua dự án để chuyển nhượng lại nhưng khi không thấy lợi sẽ bỏ".
Ở nước ngoài, việc doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ sau đấu giá sẽ bị đưa vào danh sách đen cấm tham gia đấu giá với cùng một loại tài sản trong một thời điểm nhất định, tuy nhiên hiện tại, pháp luật về đất đai trong nước hiện chưa có.
Doanh nghiệp rối với quy định đấu giá
Một vấn đề được bà Mai đặt ra là hiện điều kiện tham gia đấu giá các dự án sử dụng đất được quy định tại Điều 58 luật Đất đai khá chung chung. Và hiện tại các địa phương mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu với các quy định khác nhau.
"Có những dự án UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các dự án tương tự trong vòng 5 năm trở lại đây, có nơi yêu cầu phải có báo cáo tài chính và trong báo cáo tài chính phải có thêm tài khoản ngân hàng, vốn điều lệ…", bà Mai cho biết.
Bà ví dụ, tại Bắc Giang, UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư không vi phạm luật đất đai trên toàn quốc, trong khi đó Sở Tài nguyên môi trường Bắc Giang lại chỉ xác nhận không vi phạm luật đất đai tại tỉnh Bắc Giang.
"Câu trả lời là làm sao để xác nhận trên toàn quốc? Hiện nhiều nhà đầu tư không thể tiếp tục vì không đáp ứng được điều kiện này ", bà nói. Phải chăng Bộ Tài Nguyên Môi trường trên cần có thông tin đầy đủ về vấn đề này trên cổng thông tin của Bộ?
Tuy nhiên, trái ngược với việc nhiều địa phương đưa ra các tiêu chuẩn "khó" cho doanh nghiệp đấu giá thì nhiều tỉnh thành lại đưa ra điều kiện nhắm đến một số đối tượng gần như chắc thắng với dự án đó.
"Một số nơi lại đưa ra quy định đo ni đóng giày cho một doanh nghiệp nào đó được lựa chọn sẵn… dẫn đến nhiều khiếu kiện như ở Phú Thọ vừa qua", bà cho biết.
Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý, bởi các địa phương không phải lúc cũng hiểu và làm đúng luật. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng với các quyết định giao đất xem đúng cơ quan ban hành hay chưa, tránh xảy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc, bà nhấn mạnh.