Bất ngờ với lượng giao dịch kỷ lục từ VND của VNDirect
(DNTO) - Cổ phiếu VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect trải qua phiên giao dịch kỷ lục từ trước đến nay khi có tới hơn 105 triệu cổ phiếu trao tay, tổng giá trị giao dịch gần 2.000 tỷ đồng, trở thành mã cổ phiếu nóng nhất trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 6/7.
Lực bán VND khá mạnh vào phiên chiều. Lực cầu không kịp hấp thụ lượng cổ phiếu khổng lồ được đưa ra thị trường khiến VND giảm mạnh hơn 6%, chốt phiên chỉ còn 18.050 đồng/cp. Chốt phiên, chiều dư mua vẫn còn hơn 7,1 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, chiều dư bán với gần 800 đơn vị. Điều này cũng cho thấy, khả năng có dòng tiền lớn gia nhập có động thái "gom" với VND và đã đỡ đà rơi cho cổ phiếu này.
VND có một phiên giao dịch kỷ lục khi có hơn 105 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng hơn 12%, được trao tay trong phiên, trong đó hơn 49 triệu đơn vị là mua chủ động và hơn 56 triệu đơn vị là bán chủ động. Tổng giá trị giao dịch gần 2 ngàn tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại cũng xả mạnh VND với khối lượng bán lên tới 2,3 triệu cổ phiếu, trong khi đó chiều mua chỉ 1,5 triệu đơn vị, đưa giá trị mua ròng của khối này đạt con số âm hơn 14 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch của VND đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Bản thân thị trường chứng khoán hôm nay cũng không mấy sáng khi chỉ số VN-Index đã giảm mạnh hơn 8 điểm chỉ còn 1.126 điểm. Đà bán chốt lời phủ rộng thị trường sau ba phiên tăng điểm liên tiếp. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên hôm qua với hơn 21 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Điều gì đang xảy ra với VND?
Có thể nói, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp của Trung Nam Group.
Hôm nay, Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Trung Nam, thành viên thuộc Trung Nam Group, cho biết, công ty đã thực hiện đàm phán với trái chủ và được đồng ý dời ngày thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu có mã TRECB2223001 từ ngày 30/6 sang 4/8 sắp tới.
Lô trái phiếu có trị giá tới 1.500 tỷ đồng, thuộc loại trái phiếu “3 không” - không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với lãi suất hấp dẫn trên 11%. Ngoài lô trái phiếu trên, doanh nghiệp vẫn còn lô khác giá trị 500 tỷ đồng và chuẩn bị đáo hạn trong tháng 8.
Được biết, doanh nghiệp này liên tục chậm trả nợ thanh toán trái phiếu suốt thời gian vừa qua. Rủi ro trái phiếu dâng cao khi thị trường trái phiếu siết chặt lại thời gian qua cùng đó nhiều chính sách về trái phiếu thay đổi, những khó khăn về chính sách về thu mua điện khiến Trung Nam đã đứng trước nhiều thách thức trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi với trái phiếu đã phát hành.
Trong khi đó, VNDirect là một trong số các đối tác chính thu xếp phát hành trái phiếu cho Trung Nam Group, thách thức với VND không hề nhỏ.
Thời gian tới, trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là gánh nặng không nhỏ với các doanh nghiệp. Tại đại hội cổ đông thương niên diễn ra hồi đầu năm, Tổng Giám đốc VNDirect Phạm Minh Hương đã phải thừa nhận, Trung Nam là bài học đắt giá với doanh nghiệp này.
Tuy nhiên bà cũng cho biết, "Rủi ro hiện không đáng lo ngại và nguồn vốn chúng tôi khá lớn. Môi trường lãi suất thấp đã khiến nhà đầu tư bắt đầu tin tưởng quay trở lại mua vào nên đã giúp giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn của nắm giữ trái phiếu".