4 triệu tỷ USD đầu tư điện gió chưa kịp vận hành, nhà đầu tư không biết ‘đi đâu, về đâu’
(DNTO) - Các lệnh cách ly xã hội vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư điện gió đang đứng trước nguy cơ phá sản, do các dự án chưa kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT) trước ngày 1/11/2021.
Lao đao vì làm điện gió
Trao đổi trong tọa đàm về điện gió Việt Nam do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC tổ chức, sáng 15/01, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình cho biết, điện gió hiện vẫn là một điểm sáng trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nếu cuối năm 2020, Việt Nam mới chỉ có 500 MGW điện gió, thì cuối năm 2021 đã có trên 4.200 MGW, đưa Việt Nam trở thành cường quốc điện gió trong Đông Nam Á.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên 1/3 số dự án điện gió đăng ký với tổng công suất khoảng 2.000 MW chưa kịp đưa vào vận hành thương mại trước 1/11/2021 theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Chính phủ, để hưởng cơ chế giá FIT (8,5 cent/kWh với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh với điện gió ngoài khơi) trong thời gian 20 năm.
Do vậy, tổng số tiền đầu tư cho 2.000 MW chưa kịp COD ước tính lên tới 3-4 triệu tỷ USD. “Các nhà đầu tư hiện không biết đi đâu, về đâu vì không có doanh thu, không biết trả nợ như thế nào. Đây là thiệt hại vô cùng to lớn cho các chủ đầu tư vì đại dịch Covid-19”, ông Thịnh nói.
Hiện Bộ Công thương và các bên liên quan đã họp và dự kiến đưa ra giá mua điện gió giảm khoảng 12% so với giá FIT theo Quyết định 39. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho rằng với giá này thì gần 40 dự án triển khai trong các năm qua sẽ cầm chắc phần lỗ.
Cũng là nhà đầu tư điện gió, TS. Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện gió Sunpro Bến Tre 8, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, khi bắt đầu triển khai dự án điện gió, công ty này vô cùng hăng hái, phấn khởi, dồn toàn lực để hoàn thành dự án trước thời hạn nhằm hưởng giá FIT, dù bắt đầu muộn hơn các đơn vị khác.
Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến hoàn toàn bất ngờ, một số trường hợp nhà đầu tư không thể tìm được biện pháp thay thế vì các lệnh giãn cách xã hội, quy định kiểm dịch chặt chẽ của các địa phương.
“Chính quyền địa phương đáng lẽ phải phối hợp với chủ đầu tư lo giải phóng mặt bằng nhưng do dịch Covid-19 cũng không thể thực hiện, vận chuyển thiết bị, mua bán vật liệu xây dựng gần như không thể lưu thông; ngân hàng do dịch nên quyết định ngừng lại không cho vay vì họ xác định dự án không kịp COD trước 1/11/2021. Chúng tôi phải bỏ tiền 100% nguồn tài chính để làm dự án, không vay được ngân hàng. Bây giờ cũng không biết lỗi do ai, chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu chậm tập kết vật liệu, thiết bị thi công, chậm bàn giao các hạng mục công trình, kéo theo toàn bộ dự án chậm COD”, ông Giang nói.
Ngay cả với những doanh nghiệp kịp COD trước ngày 1/11 năm ngoái, cái giá phải trả cũng rất cao. Ông Lê Anh Tùng – Chủ tịch Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng cho biết đã phải tăng gấp nhiều lần các khoản chi để kịp “về đích”. Các chi phí doanh nghiệp thi công điện gió phải gánh từ đại dịch Covid-19 như chi phí xét nghiệm, cách ly, ăn ở cho công nhân; chi thêm một số tiền lớn để huy động bổ sung thêm số ượng máy móc, dụng cụ, thiết bị thi công để theo kịp tiến độ…
Nóng lòng chờ gia hạn giá FIT
Theo Quyết định 39, từ thời điểm 1/11/2021 đến nay đã gần 3 tháng dừng mua điện gió theo giá FIT, Chính phủ cũng chưa có quyết định đối với các nhà đầu tư bị chậm tiến độ trước đó.
“Điện làm ra hiện chỉ bán được cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong khi chúng tôi đã đầu tư hơn 50 triệu USD, sau khi làm xong giờ vẫn chưa biết bán cho ai, giá cả như thế nào. Là một trong những doanh nghiệp bị chậm, chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa vô cùng khó khăn, thậm chí phá sản”, ông Hoàng Giang chia sẻ.
Theo luật sư Nguyễn Duy Hiếu, Phó giám đốc Pháp lý, Cen X Energy, tất cả những khó khăn trên của chủ đầu tư dự án điện gió có thể coi là đủ để yêu cầu Chính phủ đưa ra thêm những hướng dẫn hoặc lùi thời hạn ưu đãi giá FIT, đó hoàn toàn là câu chuyện liên quan đến chính sách chứ không phải liên quan đến pháp luật.
Thực tế ngay từ tháng 7/2021, nhiều doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội và tổ chức năng lượng đã đề xuất với Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ban ngành liên quan xem xét gia hạn thời gian hưởng giá FIT từ 3-6 tháng theo Quyết định 39.
Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành do dịch Covid-19.
Các nhà đầu tư, đơn vị thi công điện gió, hiện đang rất mong chờ Chính phủ có quyết định nhanh chóng đối với việc gia hạn giá FIT theo Quyết định 39, nếu không, khoản lỗ của doanh nghiệp ngày một dày thêm, không chỉ ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp mà còn gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư sau này.