Vingroup sẽ mua mảng kinh doanh điện thoại của LG?
(DNTO) - LG đang đi vào vết xe đổ của Nokia 10 năm trước. Mảng kinh doanh smartphone của LG liên tiếp sụt giảm thời gian qua. Tập đoàn công nghệ này đang có ý định bán lại mảng di động và VinSmart đang được cho là ứng viên tiềm năng cho thương vụ này.
Mảng di động của LG đang kinh doanh thế nào?
Nhiều năm qua, LG không còn lọt top những thương hiệu smartphone hàng đầu nhất thế giới. Ngoại trừ thị trường Mỹ, LG không có chỗ đứng trong bảng thị phần smartphone bán chạy ở các quốc gia khác.
Mảng kinh doanh smartphone thuộc LG Electronics, hãng đã tụt từ vị trí thứ 4 trên toàn cầu xuống thứ 9 xét về thị phần. Năm 2019, smartphone báo lỗ 858 triệu USD và là năm thứ 5 liên tiếp chìm trong báo động đỏ. Họ vừa phải đấu tranh với điện thoại giá rẻ Trung Quốc để giữ thị phần trong top 10, vừa phải chống đỡ với Apple và Samsung trên phân khúc cao cấp. Tình thế giống như "cá nằm trên thớt", "trên đe dưới búa" chưa có lối thoát.
Dù LG vẫn đứng thứ 3 trong danh sách hãng smartphone tại thị trường Mỹ vào quý III/2020, với 13% thị phần theo số liệu của Counterpoint Research, họ chỉ được xếp chung trong nhóm “thương hiệu khác” trên bảng xếp hạng toàn cầu trong cùng kỳ, theo số liệu của IDC.
Trong 5 năm qua, mảng kinh doanh smartphone của LG đã lỗ tới 4,5 tỷ USD. Thực trạng này khiến CEO tập đoàn LG, ông Kwon Bong-seok đang cân nhắc bán hoặc thu hẹp mảng smartphone của công ty, theo Korea Herald.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình cảnh hiện nay của LG ở hai mảng kinh doanh từng được xem là niềm tự hào của họ là Tv và smartphone. Ví dụ như những bước đi đầu tư sai lầm, hay đọc vị nhu cầu khách hàng không đúng.
LG từng cố duy trì vị thế trên thị trường smartphone bằng chiến lược cân bằng giữa chất lượng sản phẩm và mức giá dễ chịu. Tuy nhiên, chiến lược đó đã bị phá sản bởi các công ty Trung Quốc như Oppo, Xiaomi. Sức mua giảm dần lại đẩy LG vào một vòng luẩn quẩn mới - không đủ chi phí để trang trải cho việc phát triển sản phẩm với các tính năng cạnh tranh.
Một số ý kiến lại cho rằng đó là do văn hóa tập đoàn. Trong LG Group, việc cạnh tranh nội bộ không được đồng thuận. "Hòa hợp" là tôn chỉ lãnh đạo của họ. Những nhà phê bình cho rằng triết lý này đã chôn vùi việc bồi dưỡng tài năng, trái ngược với Samsung Electronics, luôn nỗ lực mài dũa những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất cùng các công nghệ cách mạng.
"Hậu quả của việc duy trì tư duy hài hòa này là chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định đầu tư và điều hành, mà đáng lẽ phải được ưu tiên trước.
Không dễ để chỉ ra LG đã sai lầm ở đâu, nhưng quy mô là một vấn đề có thể thấy rõ. Chúng ta đều biết để thành công sẽ cần chi tiêu rộng rãi hoặc khả năng hoạt động ở quy mô lớn trong thời gian dài.
Ngay khi thị phần của LG bắt đầu suy giảm, họ bắt buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn. Sự cạnh tranh của Apple và Samsung khiến việc đánh vào phân khúc cao cấp trở thành bất khả thi, và họ cũng đánh mất khả năng cạnh tranh về giá với các công ty Trung Quốc ở tầm thấp và trung”, ông Ben Wood, trưởng nhóm phân tích của CCS Insight giải thích rõ hơn.
Ông Ben Wood so sánh LG đang phải đưa ra những quyết định khó khăn, giống như những gì Nokia đã trải qua 10 năm trước
Liệu có cái bắt tay của Vinsmart với LG?
Trang Newspin (Hàn Quốc) đưa tin Vingroup ngỏ ý mua lại mảng kinh doanh điện thoại của LG tại Mỹ sau khi biết hãng Hàn Quốc định dừng bộ phận này.
Mặc dù phía Vingroup chưa lên tiếng về tương lai của thương vụ này, nhưng thông tin đã được nhiều cơ quan báo chí Việt và Hàn đăng tải.
Vingroup - được trang Newspin gọi là "Samsung của Việt Nam" - được cho là đối tác tiềm năng nhất trong thương vụ này. Nguồn tin này nhận định mục tiêu của hãng công nghệ Việt là thâm nhập thị trường Mỹ và việc kế thừa mảng kinh doanh smartphone của LG tại Bắc Mỹ sẽ là một bước tiến lớn. Nếu thành công trong thương vụ này, Vingroup có thể tiếp nhận một số công nghệ tiên tiến, bí quyết sản xuất, mạng lưới bán hàng và giá trị thương hiệu của LG.
LG gần đây được cho là đang xem xét kế hoạch tách và bán bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh. Theo Korea Times, Giám đốc điều hành của LG, ông Kwon Bong-seok gần đây đã ám chỉ rằng công ty có thể rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. "Đã đến lúc LG phải đưa ra lựa chọn tốt nhất bằng cách bình tĩnh đánh giá khả năng cạnh tranh và tương lai của mình trong lĩnh vực kinh doanh di động. Hiện tại mọi khả năng đều mở và các phương hướng đều được xem xét cẩn thận”. Ông Kwon nói trong đoạn mail gửi các nhân viên.
Các chuyên gia tin rằng nếu có thể mua lại mảng di động của LG Electronics, đây cũng là một bước tiến để VinSmart bước vào Mỹ, thị trường smartphone khó tính nhất thế giới.
“Rất có thể họ sẽ mua lại những quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. VinSmart có thể chưa có nhiều bằng sáng chế quốc tế, một trong những yếu tố khó khăn nhất khi muốn vào thị trường Mỹ. Nhiều hãng Trung Quốc cũng phải dừng bước ở thử thách này”, bà Carolina Milanesi nhận xét.
Tháng 6/2018, VinSmart từng mua bản quyền trí tuệ của Công ty BQ (Tây Ban Nha) khi mới bước chân vào thị trường smartphone. Khi đó, VinSmart tiết lộ BQ đã bán quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng smartphone. Đồng thời, VinSmart cũng hợp tác với BQ trong quá trình nghiên cứu, phát triển.
Chỉ 6 tháng sau, VinSmart công bố đã sở hữu 51% cổ phần của BQ, có thể tận dụng cả công nghệ và nhân lực của công ty này.