Việc phân loại rác tại nguồn rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía
(DNTO) - Câu chuyện xử phạt hành chính từ ngày 25/8 tới đây đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt đang được dư luận quan tâm bàn luận.
Tới đây thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định.
Nghị định 45/2022 quy định từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Quy định này nằm trong chiến lược Bảo vệ môi trường của nước ta.
Giới chuyên gia cho rằng, việc quy định xử phạt hộ gia đình và cá nhân không phân loại rác là chế tài cần thiết. Nhiều người dân cũng bày tỏ sự ủng hộ nhưng không ít người tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của nó.
Trong thực tế, phân loại rác thải tại nguồn đã được chính phủ tuyên truyền cổ động từ nhiều năm trước, thậm chí đưa vào nội dung sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Đã có một thời các siêu thị áp dụng túi thân thiện với môi trường để gói hàng cho khách, nhiều bệnh viện, nhà thuốc tây dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân… Nhưng việc làm này chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa, chỉ dừng lại ở hình thức phong trào, đầu voi đuôi chuột, dần dần đâu lại vào đấy.
Quyết định thực hiện bằng các quy định xử phạt lần này có thành công hay không phần lớn dựa vào ý thức của người dân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn phải cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết là tích cực giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi đến từng hộ dân, hướng dẫn cách phân loại rác cho những hộ chưa có kinh nghiệm là việc làm cấp thiết.
Phải đảm bảo dịch vụ thu gom rác chuyên nghiệp. Tránh trường hợp người dân phân loại rác tại nhà nhưng rồi xe đến lấy rác lại đổ chung lên xe hoặc xe tập kết lại đổ đống chung tại bãi như hiện nay thì cũng như không.
Riêng ở các khu chung cư nên bố trí 3 thùng rác riêng biệt thay vì cho rác vào chung một băng chuyền như nhiều nơi.
Với từng cá nhân, cần xem việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm đối với cộng đồng, thực hiện đúng những quy định của pháp luật, các quy tắc của cộng đồng về giữ gìn môi trường sống. Tránh nếp nghĩ bảo vệ môi trường là công việc của chính phủ, của các tổ chức bảo vệ môi trường mà thờ ơ, vô trách nhiệm.
Nói bảo vệ môi trường nghe to tát, nhưng thật ra để góp phần chung tay bảo vệ môi trường chỉ cần mỗi cá nhân thực hiện một hành vi nho nhỏ hằng ngày đôi khi rất dễ dàng và đơn giản.
Đến đây thì tôi bỗng nhớ đến cái giỏ xách (làn) đi chợ của má tôi. Nhớ hình ảnh chị em tôi bu quanh cái giỏ mỗi lần má đi chợ về chia nhau gói xôi, cái bánh.
Cái giỏ xách dùng để đi chợ được đan bằng cỏ lác, sợi cói, cọng bàng hoặc bằng nhựa đủ màu là vật dụng không thể thiếu của các bà nội trợ ngày xưa.
Ngày nay, chị em nội trợ hầu hết đi chợ bằng… tay không, về nhà với lỉnh kỉnh một mớ bọc ni lông và sau đó bọc được ném vào thúng rác mặc dù bọc ni lông (túi xốp) tác hại đến môi trường như thế nào, ai cũng biết.
Chỉ cần mỗi chị tập cho mình thói quen dùng giỏ xách đi chợ như các mẹ ngày xưa là sẽ có một lượng rác thải nhựa rất lớn không bị thải ra môi trường. Một việc làm rất dễ dàng, ai cũng thực hiện được.
Còn khoảng 1 tháng nữa để Nghị định mới về phân loại rác thải tại nguồn có hiệu lực. Thời gian không còn nhiều, trong khi để thay đổi một thói quen, hình thành thói quen mới không phải chuyện một sớm một chiều. Trong tình hình nhiều người vẫn còn thói quen vứt rác bừa bãi, vứt lén sang nhà hàng xóm, vứt ngay cả nơi có biển cấm đổ rác…, thì việc phân loại rác rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.