Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2: Những góc nhìn về xã hội Hàn Quốc đương đại
(DNTO) - Hướng tới kỷ niệm 30 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 – 2022), và 30 năm thành lập Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc Korea Foundation (1991 - 2021), Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, xuất bản "Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2".
Trong ba thập niên qua, quan hệ giữa hai nước đã tiến đến mức mật thiết nhất “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” trên mọi mặt kinh tế - xã hội và quan hệ về mặt giao lưu - gắn kết nhân dân. Trong bối cảnh đó, giao lưu văn chương Việt Nam - Hàn Quốc cũng gặt hái nhiều thành quả với các hoạt động giao lưu giữa các hội nhà văn, giao lưu tác giả, các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật giới thiệu tác phẩm văn học của hai nước.
Phía sau đó có sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ Hàn Quốc nằm trong chuỗi chiến lược quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới (như Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc), sự nỗ lực của các nhà xuất bản, các agency của Hàn Quốc và Việt Nam, sự đóng góp của các dịch giả.
Nhưng chắc chắn một điều không thể phủ nhận, thành quả của văn học dịch Hàn Quốc tại Việt Nam cũng một phần đến từ giá trị văn chương của chính tác phẩm. Vài năm trở lại đây, đầu sách văn học dịch Hàn Quốc tại Việt Nam đã vượt qua con số hàng chục, bắt đầu sang con số hàng trăm, đủ tạo thành một góc riêng biệt “Văn học Hàn Quốc” trên kệ trưng bày ở các nhà sách. Nói cách khác, văn học Hàn Quốc ở chừng mực nào đó đã thu hút người đọc Việt Nam và hình thành lượng độc giả nhất định.
Tiếp nối Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc (Tập 1, Tuyển chọn từ tạp chí Koreana, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), ra mắt bạn đọc Việt Nam năm 2019, Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc (Tập 2, Tuyển chọn từ tạp chí Koreana, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) lần này giới thiệu 10 tác phẩm (trừ một truyện sáng tác năm 1955, chín tác phẩm còn lại đều thuộc những năm gần đây).
Mười tác phẩm trong Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc (tập 2) được tuyển chọn từ tạp chí Koreana, tạp chí chuyên về văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) xuất bản hàng quý bằng 11 ngôn ngữ (https://www.koreana.or.kr). Mười truyện ngắn, năm tác giả nam, năm tác giả nữ. Một sự tình cờ không cố ý trong khâu biên soạn nhưng phần nào cho thấy sự cân bằng trong làng văn hiện đại Hàn Quốc.
Các truyện ngắn nhìn chung chủ đề đa dạng, trải rộng về cả bối cảnh thời gian và không gian. Qua đó, độc giả sẽ cùng du hành tới Hàn Quốc trong những năm khốc liệt của chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc (Thời đại Mildawon/Kim Dong-ni), ngược lịch sử về thời Joseon khi “con chữ” có thể khiến cả gia tộc bị tội (Khi lưỡi liềm lên tiếng/Kim Deok-hee), rồi quay về hiện tại với những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại như bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới (Ai đã giết con mèo/Yoon Dae-nyeong), sự tan rã của chủ nghĩa gia đình (Cửa số 4/Ki Jun-young), vấn đề đô thị và nông thôn (Mắc kẹt/Kim Do-yoen).
Độc giả sẽ đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ những góc nhìn khác biệt về những người Hàn truyền thống (Mì/Kim Sum) và những người Hàn của thế hệ idol (Ai cũng thích SNSD/Lee Young-hoon), đến những ám ảnh của con người hiện đại (Liều thuốc của tôi/Oh Hyun-jong), đồng cảm trước những trải nghiệm về nhân sinh quan (Lễ hội của tro tàn/Park Chan-soo), và tình nhân văn vượt qua biên giới dân tộc (Ánh sáng hộ vệ/Cho Hae-jin).
Nhưng có lẽ, vượt lên trên hết, thông điệp mà các tác giả muốn truyền tải là tầm quan trọng của sự giao tiếp giữa người và người. Bởi thiếu giao tiếp, nên chúng ta “mắc kẹt” trong chính những ám ảnh của cái tôi, mắc kẹt trong những mối quan hệ, mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại. Bởi thiếu giao tiếp nên chúng ta mất đi “liều thuốc” cảm thông và thấu hiểu, mất đi liều thuốc quan tâm và yêu thương. Bởi thiếu giao tiếp, chúng ta trở nên lạc lõng giữa xã hội, cô đơn trong chính gia đình của mình.
Một điều thú vị nữa trong các truyện ngắn lần này, đó là thỉnh thoảng độc giả sẽ bắt gặp “một thoáng Việt Nam” đâu đó giữa những câu chuyện. Đó là một quán ăn Việt Nam mà nhân vật ghé qua, hay cô dâu Việt Nam trong hội thoại của các nhân vật.
- Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) là tổ chức chính phủ được thành lập vào năm 1991, với vai trò xúc tiến ngoại giao công chúng, nâng cao sự hiểu biết về đất nước Hàn Quốc của cộng đồng quốc tế và tăng cường mối quan hệ thân thiết hữu nghị thông qua nhiều hoạt động giao lưu đa dạng với các nước như xúc tiến ngành Hàn Quốc học trên toàn cầu, mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, giao lưu văn hóa nghệ thuật và hoạt động truyền thông…, thực hiện sứ mệnh “Gắn bó nhân loại, kết nối thế giới” (CONNECT PEOPLE, BRIDGE THE WORLD).
- Korea Foundation là cơ quan tiến hành và hỗ trợ các hoạt động giao lưu nhân dân để quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
- Koreana là tạp chí của Korea Foundation, xuất bản hàng quý, giới thiệu văn hóa nghệ thuật xứ Kim chi tới độc giả quốc tế. Ấn bản Koreana đầu tiên bằng tiếng Anh ra đời năm 1987, và sau hơn ba mươi năm, đến nay đã có các phiên bản tạp chí in, tạp chí điện tử và website Koreana trong 11 thứ tiếng (Anh, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Arab, Đức, Indonesia, Nga, Việt Nam, Hàn Quốc). Koreana trở thành một trường hợp hiếm hoi trong các tạp chí quốc tế, với bạn đọc ở khắp 160 quốc gia.