Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19: Những điều cần biết
(DNTO) - Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức sáng 13/4, tại Hà Nội, GS. TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có 8,2 triệu trẻ em sẽ được tiêm phòng Covid-19 trong quý II/2022 này, bắt đầu vào ngày 14/4.
Theo GS. TS Phan Trọng Lân, cả nước có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccne phòng Covid-19 trong quý II/2022. Ước tính đến nay, trong số này có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 và khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc.
Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế đề nghị, với trẻ đã mắc Covid-19, thời gian được chỉ định tiêm mũi đầu tiên là sau 3 tháng kể từ khi trẻ mắc bệnh (tức là vào khoảng tháng 7, tháng 8/2022).
Pfizer và Moderna là hai loại vaccine được tiêm cho trẻ thuộc đối tượng này.
Cũng tại buổi gặp mặt báo chí, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện tại lô vaccine Moderna đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do Chính phủ Úc tài trợ đã về đến Việt Nam và đang được kiểm nghiệm.
"Trước mắt vaccine sẽ triển khai cho trẻ học lớp 6, sau đó mới giảm độ tuổi để theo dõi an toàn”, bà Hồng thông tin thêm.
Bộ Y tế yêu cầu tiêm cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm được khuyến cáo là 4 tuần và chỉ tiêm 2 mũi mà thôi.
Hiện đã có đến hàng chục quốc gia/vùng lãnh thổ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thậm chí có những quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiêm cho trên 40% số trẻ trong độ tuổi.
Còn tại Việt Nam, bên cạnh không ít phụ huynh "mong đợi" con trẻ được tiêm vaccine để họ yên tâm đi làm khi trong lớp, ngày nào cũng có học sinh xét nghiệm nhanh dương tính, có khoảng 30% phụ huynh hiện chưa đồng ý, không đăng ký cho con trong độ tuổi tiêm phòng vaccine Covid-19 trong đợt này. Đa số họ thuộc nhóm có con đã là F0. Họ cho rằng trẻ em sức đề kháng cao, nhiễm bệnh sau khoảng 24 - 48 giờ là có thể trở lại bình thường, cơ thể tự sinh đề kháng rất tốt, vậy tại sao lại phải tiêm vaccine?
Tuy nhiên, theo TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia thì: Những trẻ đã mắc Covid-19 và không tiêm phòng sau khi hồi phục có nhiều khả năng bị tái mắc hơn những trẻ được tiêm phòng sau khi khỏi bệnh.
Cũng theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, việc tiêm 2 mũi vaccine Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc Covid-19 do chủng Omicron ở trẻ 5 - 11 tuổi, đồng thời giảm 45 - 51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5 - 15 tuổi.
Vì độ tuổi tiêm vaccine lần này nằm trong phạm vi 5 đến dưới 12 tuổi nên nhất thiết trẻ cần phải có phụ huynh giám sát chặt chẽ. Chỉ tiêm chủng khi trẻ thực sự khỏe mạnh. Không đưa trẻ đi tiêm khi nghi ngờ trẻ mắc Covid-19 hay đang viêm hoặc có vấn đề bất thường về đường hô hấp. Phụ huynh cần báo với bác sĩ tại điểm tiêm chủng về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ.
Phụ huynh cần lắng nghe nhân viên y tế tư vấn cụ thể về vaccine, về tiêm chủng đối với trẻ. Sau khi tiêm, để trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi ít nhất 30 phút, sau đó về nhà theo dõi tiếp trong 3 ngày. Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Trong 3 ngày này, phụ huynh và giáo viên cần quan sát tình trạng diễn biến của trẻ. Khi trẻ có những biểu hiện mệt bất thường, nôn, tiêu chảy, tím tái, khó thở, sốt, thay đổi màu sắc da, nổi ban… phụ huynh nên kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc.
Ngoài ra, cần tránh cho các em những hoạt động vận động mạnh như đá bóng, chạy nhảy…